Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 16/05/2019

Khi người lính trở về làm nông dân

Cựu chiến binh Y Khing Niê (thường gọi Ama Đer) dân tộc Êđê, sinh năm 1960 ở buôn Ngô B, xã Hòa Phong- Krông Bông- Đăk Lăk, mang trong người bầu nhiệt huyết của người lính, sau khi rời binh nghiệp, khoác lên mình chiếc áo của người nông dân, ông đã nỗ  lực phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả từ canh tác nông nghiệp và luôn đi đầu trong mọi hoạt động xã hội của địa phương được bà con mến phục.

Năm 1978, ông tham gia du kích xã ở Ea Yông (Krông Păk), khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây nam, ông được lệnh nhập ngũ vào Huyện đội (Krông Păk), sau 3 năm trong quân đội, ông Y Khing Niê xuất ngũ trở về với vùng đất một thời đạn bom (căn cứ Buôn Ngô), hành trang trở về là chiếc ba lô và 2 bàn tay trắng, cuộc sống lúc mới rời quân ngũ vô cùng khó khăn, nhưng rồi cũng như bao trai tráng khác trong buôn làng, năm 1982 ông  lập gia đình và “sinh con đẻ cái”.

Ông Y Khing Niê chăm sóc vườn cà phê

Ông Y Khing Niê chia sẻ: Khi đứa con đầu lòng sinh ra, bé thường xuyên bị sốt rét, trong lúc điều kiện thuốc men, phương tiện đi lại không có, nhiều lần con bị lên cơn co giật ông phải địu con trên lưng chạy bộ hơn 40 km đến bệnh viện Krông Păk để chữa trị, về sản xuất những năm ấy, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thoát khỏi tập tục canh tác lạc hậu “phát, đốt, chọc, tỉa”, nên gia đình ông luôn rơi vào tình cảnh thiếu đói.

Năm 1987, thực hiện chủ trương giãn dân, tách hộ, định canh định cư của Đảng bộ xã Hòa Phong, ông cùng 25 gia đình trẻ xung phong đến vùng đất buôn Ama Thuăn cũ (nay là Buôn Ngô B). Sớm nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế  của vùng đất mới, ngoài 2.500 m2 đất được cấp, vợ chồng ông tích cực khai hoang, mở rộng diện tích, đắp bờ ngăn nước làm ruộng, nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình ông đã tự túc được lương thực. Rồi lần lượt 5 đứa con ra đời, nhu cầu sinh hoạt trong gia đình tăng lên, thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” ông bàn với vợ chuyển đổi 01 ha đất trồng cây hoa màu (ngô, đậu các loại) sang trồng cây cà phê, nhưng diện tích đất sản xuất của gia đình ông vốn là vùng đất xám, nhiều sạn muối, từ việc vốn liếng đầu tư chăm sóc cho đến máy móc tưới tiêu hoàn toàn chưa có, nên cây cà phê còi cọc kém phát triển và chết dần, ông phải phá bỏ trồng bắp, đậu, sắn để giải quyết “cái ăn, cái mặc” hàng ngày cho cả gia đình 7 người. Với tính chịu thương, chịu khó và chi tiêu tiết kiệm, đến năm 2010 ông đã tích lũy được số vốn nho nhỏ, ông quyết định thực hiện ý tưởng ban đầu chuyển một số diện tích, trồng lại 760 cây cà phê.  

   Sau lần thất bại trước, ông trăn trở rằng trồng cây cà phê cũng như các loại cây trồng khác, nếu không nắm vững kỹ thuật và không đầu tư chăm sóc thì chẳng khác nào người lính có súng mà không có đạn, vì thế ông sắp xếp thời gian đi học hỏi những người bà con có kinh nghiệm trồng cà phê ở Phước An, đồng thời tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do khuyến nông huyện tổ chức tại địa phương, những điều còn vướng mắc ông tìm gặp những người am hiểu để trao đổi thêm, đồng thời ông dùng số tiền tích cóp được bấy lâu đem mua máy móc, dây tưới, đào hồ chứa để chủ động nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô.

  Ngày tháng trôi qua, đất không phụ lòng người, những vất vả đã được đền đáp, 5 đứa con của ông lớn lên lập gia đình ra ở riêng đều được ông chia đất, cho bò để phát triển kinh tế.  Hiện nay, gia đình ông chỉ còn 2 vợ chồng tuổi đã lục tuần nhưng hàng ngày vợ chồng ông vẫn ra đồng chăm sóc 7.000 m2 cà phê, 4.000 m2 ruộng nước 2 vụ, 01 ha đất sắn, mỗi năm thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng, cuộc sống dần trở nên khá giả.

Ngoài ra, từ năm 2000 đến năm 2013 ông là một công an viên cần mẫn, mỗi khi nhận được tin báo của quần chúng có các vụ việc xảy ra, ông kịp thời phối hợp với Ban tự quản buôn trực tiếp đến tận nơi giải quyết thấu tình đạt lý, không để phát sinh mâu thuẫn lớn, vì thế trong suốt 13 năm làm công an viên, địa bàn do ông phụ trách không xảy ra các vụ án cũng như các tai, tệ nạn xã hội.

Sau khi ông nghỉ công tác, nối gót theo cha, anh Y Lúi Byă con ông vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm công an viên thay thế cho ông, với tư cách là người cha trong gia đình và là người đi trước, ông thường chỉ bảo thêm kinh nghiệm xử lý tình huống, để con ông vận dụng vào công việc được giao.

Gia đình ông còn luôn luôn hăng hái đi đầu trong mọi cuộc vận động ở địa phương như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chung tay “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa… ông là một tấm gương sáng về sự cần mẫn trong lao động sản xuất và tận tụy trong công việc để mọi người trong buôn noi theo./.

                                                                      Mai Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang