Kết quả bước đầu thực hiện nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Krông Bông
Ngày 27/12/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 - 2020. Nghị quyết là cơ sở quan trọng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững mà trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân. Sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04- NQ/HU, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến đáng kể.
Ngay sau khi Nghị quyết 04 được ban hành, công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện đã được các cấp ủy Đảng, cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở hết sức quan tâm; hàng năm ngoài việc lồng ghép triển khai Nghị quyết 04 vào các Chương trình, Dự án trên địa bàn huyện, UBND huyện đã bố trí cho công tác khuyến nông tập huấn, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp với kinh phí trên dưới 01 tỷ đồng. Các địa phương đã chú trọng đưa các giống ngô lai mới cho năng suất vượt trội để thay thế các loại giống cũ năng suất đạt thấp; Vụ hè thu năm 2017, UBND huyện đã cho chủ trương để Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương và Công ty cổ phần giống cây Miền Nam liên kết với nông dân xã Hòa Tân sản xuất 280 ha ngô giống F1, nhờ áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ do các Công ty hướng dẫn nên kết quả cho lợi nhuận rất cao, đạt 47 triệu đồng/ha (đã trừ chi phí); năm 2018, tiếp tục triển khai 350 ha giống ngô LVN 10 tại xã Hòa Tân, hiện nay đang chuẩn bị cho thu hoạch. Đối với cây mía, hiện nay trên địa bàn huyện có 908 ha mía giống mới cho năng suất, chất lượng cao, thay thế hoàn toàn các giống mía cũ trước đây, nhờ đó giúp sản lượng mía tăng thêm 40% so với giống cũ. Đối với cây sắn, hiện toàn huyện có 6.467 ha sắn công nghiệp cao sản, giống sắn chủ yếu KM 94, KM 140. Đặc biệt, trong thời gian qua cây dứa được đưa vào trồng khá phổ biến và tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã CưĐrăm ,Yang Mao, Cư Pui, với diện tích 324 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 245 ha; cây dứa rất thích hợp ở những diện tích đất đồi dốc, phát triển tốt, sản phẩm quả dứa được thị trường ưa chuộng vì vây cho thu nhập khá cao (khoảng 200 triệu đồng/ ha).
Giống cây mía cao sản cho thu nhập cao
Ngoài ra một số loại cây ăn quả đã được nhân dân mạnh dạn chuyển đổi và Trạm khuyến nông huyện triển khai trồng thử nghiệm trên địa bàn cho kết quả khá tốt như cây vải thiều, hiện có khoảng 25 ha, trong đó 5 ha đã cho thu hoạch. Cây có múi (cam, bưởi, quýt) hiện có khoản 30 ha, tập trung tại xã Cư Kty và 4 xã cánh đông. Cây chanh dây với diện tích khoảng 6,3 ha, tập trung tại các xã Hòa Sơn, Hòa Lễ, Hòa Phong, CưPui, CưDăm. Theo đánh giá thu nhập từ các loại cây có múi cao hơn nhiều so với cây trồng khác trên cùng một diện tích.
Cùng với cây trồng, đối với vật nuôi cũng đang được nông dân mạnh dạn chuyển đổi. Năm 2017, một số hộ dân tại xã CưDrăm, Hòa Phong và Yang Reh đã liên kết với Doanh nghiệp thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm với quy mô 2,5 ha, hiện phòng Nông nghiệp & PT Nông thôn huyện và trạm khuyến nông đang theo dõi khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế để xây dựng các mô hình cho các địa phương khác. Chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, phối giống tinh bò lai Zebu, Brahman, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra toàn bộ đàn lợn đực giống trên địa bàn, qua đó tuyển chọn đàn lợn đực giống siêu nạc có chất lượng cao, bấm số tai, theo dõi và cho phối giống.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện còn gặp những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ: Cái khó đầu tiên là thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiện nay sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi chưa có tổ chức, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, do vậy đầu ra của sản phẩm hết sức bấp bênh, phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Khó khăn thứ hai là nguồn vốn đầu tư để chuyển đối cây trồng, vật nuôi. Khó khăn thứ ba là hệ thống giao thông trong huyện và liên tỉnh xuống cấp nghiêm trọng, khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng rất lớn giá cả sản phẩm của người nông dân trên địa bàn huyện.
Tuy còn đó nhiều khó khăn cần tháo gỡ, nhưng với những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU, hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục đi vào cuộc sống và mang lại đời sống ấm no cho nhân dân trên địa bàn huyện.
TH