KẾT QUẢ 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 24-CT/TW VỀ “PHÁT TRIỂN NỀN ĐÔNG Y VIỆT NAM VÀ HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI”
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và Thông báo Kết luận 154-TB/TW, ngày 20/02/2014 của Ban Bí thư về 05 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW“Về phát triển nền Đông y Việt nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, công tác đông y và hoạt động của Hội Đông y huyện Krông Bông đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nền Đông y và Hội Đông y trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân từng bước được nâng lên; lĩnh vực y, dược học cổ truyền và Hội Đông y huyện đã có những bước phát triển, hoạt động có hiệu quả, công tác xây dựng, củng cố và phát triển mạng lưới khám chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền ở cơ sở được quan tâm. Toàn huyện hiện có Hội Đông y huyện, 02 Hội Đông y cơ sở (thị trấn Krông Kmar, xã Hòa Sơn) và 12 tổ chức hội ở các xã; việc mở rộng mạng lưới hoạt động của tổ chức hội góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như tuyên truyền việc duy trì và phát triển công tác khám chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền đối với bệnh viện huyện cũng như các trạm y tế cơ sở.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn trồng và sử dụng vườn thuốc nam mẫu ở trạm y tế xã, thị trấn và trong nhân dân thường xuyên được thực hiện góp phần thừa kế, bảo tồn và phát huy các bài thuốc đông y quý để chữa bệnh cho nhân dân. Thực hiện tốt 9 điều Y huấn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và 12 điều Quy định về Y đức của Bộ Trưởng Bộ Y tế. Công tác khám, chữa bệnh của Khoa y học cổ truyền Bệnh viên Đa khoa huyện được đẩy mạnh, hiện nay khoa có 25 giường bệnh nội trú. Năm 2008 số bệnh nhân tham gia khám, chữa bệnh là trên 60.000 lượt, trong đó khám, chữa bệnh bằng YHCT là 3600 lượt người đạt 6%; năm 2017, tổng số khám, chữa bệnh là 91.816 lượt người, trong đó khám chữa bệnh bằng YHCT là 18 ngàn lượt người, đạt tỷ lệ 19,6%.
Công tác khám, chữa bệnh của Hội viên Đông y huyện thu hút nhiều bệnh nhân trong và ngoài huyện đến khám, chữa bệnh. Hiện nay, toàn huyện có 07 phòng chẩn trị đang hoạt động; hàng năm, khám, chữa bệnh cho trên 12 ngàn lượt bệnh nhân. (Bình quân 01 tháng gần 1 ngàn lượt, 01 ngày 35 lượt bệnh nhân).
Hội Đông y huyện và các phòng chẩn trị của hội viên thực hiện tốt hoạt động công tác hội và hoạt động khám chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền, kết hợp đông, tây y trong khám, chữa bệnh, chữa bệnh không dùng thuốc ở các phòng chẩn trị của hội viên đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.Trong quá trình khám, chữa bệnh, hội viên Đông y luôn quan tâm đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, trao đổi học hỏi, từ đó thừa kế, sưu tầm nhiều bài thuốc quý, kinh nghiệm hay ứng dụng điều trị có hiệu quả. Nhiều lương y đã thành công với những môn thuốc hay, bài thuốc nổi tiếng như: Bài thuốc Bí kỳ thang, điều trị lợi tiểu, thanh nhiệt của Lương y BS Bùi Văn Huấn, khoa đông y, Bệnh viện đa khoa huyện; Bài thuốc Lá Sa Kê, trị đau nhức các khớp ngón chân và điều trị bệnh Gout của Lương y BS Nguyễn Văn Anh, khoa đông y, Bệnh viện đa khoa huyện; Bài thuốc Nhân sâm quân tử thang, điều trị cho phụ nữ có thai hay nôn mửa, của Lương y Đỗ Hữu Trung, TDP 6, thị trấn Krông Kmar; Bài thuốc Tán ứ thang, điều trị đau tức do bị té sưng mình mẩy, của Lương y Lê Tăng Khánh, thôn 8 xã CưKty… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động Đông y và khám chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền trong nhân dân chưa sâu, rộng; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về họat động trong lĩnh vực y, dược học cổ truyền chưa cao do chưa được phân cấp cụ thể; sự quan tâm đầu tư, phát triển về y, dược học cổ truyền và Đông y chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tỷ lệ bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng đông y ở Bệnh viện đa khoa huyện và các trạm y tế còn thấp; công tác tập hợp, nuôi trồng, bảo tồn và phát triển cây, con làm dược liệu chủ yếu mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ; việc nghiên cứu phát triển, kế thừa, ứng dụng và hợp tác trong y học cổ truyền chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…
Trong thời gian tới, huyện Krông Bông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chỉ thị 24 - CT/TW về “phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”; đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng và mỗi người dân, tạo sự chuyển biến trong nhận thức tầm quan trọng của Đông y trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Kiện toàn, củng cố và phát triển Hội Đông y từ huyện đến cơ sở, phấn đấu đến năm 2025, 14 xã, thị trấn đều có Hội Đông y cơ sở. Triển khai cấp thẻ hội viên theo hướng dẫn của tỉnh Hội. Tạo điều kiện nâng cao chất lượng, tăng cường trang thiết bị và đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sỹ tại Khoa y học cổ truyền bệnh viện huyện và Hội Đông y. Công tác phát triển Dược liệu với mục tiêu là phát huy nội lực, tăng thu hái, giảm thu mua; xây dựng vườn thuốc Nam tại Bệnh viện Đa khoa huyện; tăng thêm số vườn thuốc nam, khóm thuốc gia đình, củng cố vườn thuốc mẫu ở trạm Y tế. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội với các ban, ngành, đoàn thể để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khám, chữa bệnh, trồng và sử dụng thuốc Nam.
TH