Huyện ủy Krông Bông: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Thực hiện Kế hoạch số 122-KH/TU, ngày 09/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” ; Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch 145-KH/HU, yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn huyện chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp nghiêm túc, đồng bộ.
Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở, trước hết là người đứng đầu. Phát huy và quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với việc đánh giá kết quả công tác hàng năm. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ chính trị và Đề án “ xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa, nguồn: tapchicongsan.vn
Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Lồng nghép một số chuyên đề về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở Giáo dục-Đào tạo trên địa bàn huyện và Trung tâm bồ dưỡng Chính trị huyện. Vận động người dân tham gia tích cực hơn nữa vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; kịp thời biểu dương gương sáng tự học, tự học thành tài để lập thân, lập nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và chất lượng hiệu quả công việc; kịp thời tuyên dương và nhân rộng các mô hình hay, phong trào hoạt động tốt về công tác này.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội, xây dựng các biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, thôn, buôn, TDP, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, lực lượng vũ trang… không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, coi đó là nội dung quan trọng trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.
Củng cố, kiện toàn hội khuyến học từ huyện đến cơ sở, nhất là ở thôn, buôn, TDP; phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và trong lực lượng vũ trang, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi và rộng khắp trên địa bàn toàn huyện, gắn kết các tiêu chí công nhận mô hình học tập, công dân học tập, gia đình hiếu học…. Phát huy, sử dụng có hiệu quả các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, các thiết chế văn hóa cơ sở theo hướng chú trọng các hoạt động học tập; đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân. Tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng ở xã, thị trấn phù hợp với điều kiện từng địa phương trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các cở sở văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao hiện có..
Nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ cho người lớn gắn với việc phổ cập nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, tiến tới phổ cập THPT. Đa dạng hóa các hình thức học tập, củng cố kết quả mù chữ, chống tái mù. Nghiêm túc thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh phù hợp. Khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã học ngoại ngữ, cán bộ công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt buộc phải biết tiếng dân tộc.
Rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, tôn vinh các tập thể, cá nhân đóng góp các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từng bước tổ chức xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; mô hình “Huyện học tập”, “Công dân học tập”, “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” “ Cộng đồng khuyến học”….
Kế hoạch 145 cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện để đảm bảo đạt Kế hoạch của Huyện ủy đề ra; đồng thời thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương, đơn vị.
TH