Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 15/07/2021

Huyện Krông Bông: Xuất hiện ổ bệnh viêm da nổi cục ở bò

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y huyện, trên địa bàn huyện Krông Bông đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở bò tại các xã Hoà Sơn, Hoà Lễ và Khuê Ngọc Điền.

Theo đó, ngày 10 và 11/7/2021, Chi cục Chăn nuôi và thú ý huyện nhận được tin báo của cán bộ thú y xã Hoà Sơn, Hoà Lễ, Khuê Ngọc Điền về 03 trường hợp nghi nhiễm viêm da nổi cục ở bò và đã tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm.

Ngày 12/7/2021, Chi cục Thú y vùng V đã có thông báo 03 mẫu bệnh phẩm đều có kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục.

Sau khi phát hiện dịch, cơ quan chức năng đã vận động các hộ dân tiêu hủy 02 con bò của 01 hộ gia đình ở thôn 4 xã Hoà Lễ và 01 hộ gia đình ở thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền; tiến hành điều trị cho 01 con bò của 01 hộ gia đình ở thôn 4, xã Hoà Sơn (do con bò này còn khoẻ mạnh, đã ăn uống bình thường, không sốt, các nốt nổi cục sần ít), đồng thời rắc vôi, phun thuốc diệt côn trùng khu vực ổ dịch. 

Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.

Ông Trần Đình Bình, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện cho biết, để chủ động phòng chống dịch, đơn vị đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm ổ dịch để tham mưu, xử lý. Các địa phương tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với hộ chăn nuôi có trâu, bò mắc bệnh; Dừng vận chuyển, mua, bán trâu, bò từ vùng có dịch về địa phương nhằm tránh lây lan ra diện rộng.

Theo ông Bình, người dân có gia súc bị dịch bệnh khi tiêu hủy sẽ được hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Trạm Chăn nuôi và thú y huyện cũng khuyến cáo, hiện đang là mùa mưa, là mùa sinh sản và phát triển của các côn trùng truyền bệnh cộng với tập quán chăn thả gia súc và thời tiết nóng, ẩm chính là những yếu tố khiến dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò có nguy cơ bùng phát diện rộng.

Bệnh viêm da nổi cục là do một loại vi rút thuộc họ Poxviridaea gây ra trên trâu, bò ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc bệnh là 20%-30%, tỷ lệ chết 1%-5%.

Khi trâu, bò nhiễm vi rút, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 14 ngày; trâu, bò giảm hoặc bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu, sốt cao (có khi sốt 41 độ); giảm khả năng tiết sữa trên gia súc đang cho con bú; tiết nhiều nước bọt, trên da xuất hiện các nốt sần có đường kính từ 2-5cm, các nốt sần này có hình tròn, nhô lên cao. Các nốt sần có thể bị hoại tử, xơ hóa tồn tại trong vài tháng để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viên.

Trên màng nhầy của miệng, đường tiêu hóa, khí quản và phổi có thể xuất hiện các mụn nước, nốt loét.

Chân và các bộ phận khác như bao da, ức, bìu và âm hộ có thể bị tiết dịch. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời; bò cái có thể bị sảy thai; trâu, bò bị mắc bệnh có thời gian phục hồi rất lâu.

Hiện nay, đã có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục, tuy nhiên, thời gian tạo được kháng thể sau tiêm phòng là 28 ngày nên dễ có nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng. Vì vậy, biện pháp hữu hiệu trước tiên, người chăn nuôi nên mua vaccine tiêm phòng cho đàn trâu, bò của mình. Đồng thời, người chăn nuôi phải chủ động theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn trâu, bò, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; định kỳ vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; diệt vật chủ trung gian truyền bệnh như côn trùng, ruồi, muỗi, ve…. Khi có dịch xảy ra, người chăn nuôi cần tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, Cơ quan thú y.

                                                                             Lâm Viên

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang