Huyện Krông Bông tiềm năng, lợi thế và chiến lược phát triển du lịch
Huyện Krông Bông có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển du lịch. Trong Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 27/8/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2019- 2025 và định hướng đến năm 2030” nêu rõ, phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm hiệu quả, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tập trung đầu tư để phấn đấu huyện Krông Bông trở thành trung tâm dịch vụ du lịch chính của tỉnh.
Krông Bông là một trong những địa danh có những điểm du lịch được nhiều du khách biết đến mỗi khi đến Dak Lak; Là một trong những địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch trong tỉnh với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng, hùng vĩ với cấu tạo địa hình thể hiện sự hòa hợp của núi đồi, ao hồ và ghềnh thác cùng với hệ động, thực vật phong phú, đặc biệt với dãy Chư Yang Sin hùng vĩ có đến 964 loài thực vật bậc cao, có nhiều loài có trong sách đỏ như thông 5 lá, thông lá dẹt… Các điểm du lịch trên địa bàn huyện phân bổ ở những địa điểm có thác nước, suối lớn và vùng núi, thuộc lưu vực sông Sêrêpok. Phần thượng nguồn là hệ thống rừng đặc dụng cao, đỉnh Chư Yang Sin cao 2.405m. Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên ban tặng, khí hậu mát mẻ là điều kiện rất tốt để huyện phát triển du lịch với nhiều loại hình như Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, leo núi, nghiên cứu về rừng…Hiện nay trên địa bàn huyện có 07 điểm du lịch gồm: Thác Krông Kmar; điểm du lịch sinh thái vườn quốc gia Chư Yang Sin; khu di tích lịch sử cấp quốc gia hang đá Đak Tuôr; điểm dừng chân hồ Yang Reh và tham quan núi đá voi; thác buôn Ngô xã Hòa Phong; thác Yang Hanh xã CưĐrăm; thác Ekha xã Yang Mao; hồ Cư Păm xã CưKty.
Thác Đắk Tuôr, xã Cư Pui
Là một huyện có truyền thống lịch sử hào hùng, hiện tại Krông Bông có 02 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia là Hang đá Đak Tuôr và Khu căn cứ kháng chiến phía Nam của tỉnh Đak Lak và 01 di tích cấp tỉnh là Hang đá đen Khuê Ngọc Điền; ngoài ra còn một số di tích tiềm năng huyện đang làm hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận... Bên cạnh tài nguyên văn hóa vật thể thì cũng có không ít tài nguyên phi vật thể như các lễ hội truyền thống, hằng năm, vào dịp tháng chạp, tháng giêng âm lịch các địa phương đều tổ chức các lễ hội đặc trưng của từng địa phương để đáp ứng một phần đời sống tinh thần, tâm linh của người dân như: Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê; Lễ khai hạ của đồng bào dân tộc Mường; Lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc H’mông, Tày, Thái.
Để mục tiêu phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 thành công cần có nền tảng phát triển của giai đoạn trước đó, xét trên các mục tiêu cụ thể thì về cơ bản đã đáp ứng xu thế dự báo. Hàng năm, du lịch luôn duy trì tốc độ tăng trưởng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của huyện. Tuy nhiên với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và tiềm năng phát triển du lịch to lớn, du lịch Krông Bông được kỳ vọng có nhiều đóng góp hơn trong những năm tới vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thác Krông Kmar
Theo Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2019- 2025 và định hướng đến năm 2030”, huyện Krông Bông đưa ra mục tiêu phát triển du lịch trong từng giai đoạn; theo đó: giai đoạn 2019-2025: Rà soát, tích hợp các Khu, điểm du lịch của huyện vào Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; lập hồ sơ đề nghị công nhận các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện, hoàn thiện các thủ tục lập hồ sơ đề nghị giao đất, cho thuê đất, lập quy hoạch chi tiết 1/500 để đầu tư và kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tốt tài nguyên du lịch của huyện. Hướng dẫn nhà đầu tư (điểm du lịch Thác Krông Kmar) đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Xây dựng Đề án “Thiết kế quà lưu niệm đặc trưng của huyện Krông Bông”. Xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến và đẩy mạnh việc liên kết hợp tác phát triển du lịch; hình thành các tuyến du lịch liên huyện, liên vùng, liên tỉnh; xây dựng và triển khai các quy định, phương án về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội…Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch cho ngành du lịch về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kể cả tiếng dân tộc thiểu số…
Giai đoạn 2025-2030: Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế bền vững của huyện, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Đến năm 2030, đón 1,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 20 tỷ đồng (trong đó khách quốc tế chiếm 20%). Tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm. Ngày lưu trú bình quân 1,5 ngày/khách. Phát triển 50 cơ sở lưu trú với 500 phòng. Trên 90% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, trình độ ngoại ngữ và kiến thức về du lịch; 100% cán bộ du lịch có năng lực quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển.
Kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt động một số dự án lớn như: Dự án khu du lịch thác Krông Kmar; Dự án xây dựng Hồ sinh thái thị trấn Krông Kmar; Dự án xây dựng làng nghệ Buôn Ya, xã Hòa Sơn nhằm khôi phục nghề nấu rượu cần, dệt Thổ cẩm, đan lát, các làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống…; Dự án phát triển du lịch sinh thái: Di tích lịch sử hang đá Đăk Tuôr và kết nối Vườn quốc gia Chư Yang Sin.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, huyện Krông Bông đề ra 09 nhóm nhiệm vụ giải pháp, theo đó: 1.Nâng cao nhân thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của ngành du lịch, coi nhiệm vụ phát triển du lịch là bước đột phá để Krông Bông phát triển nhanh, bền vững; 2.Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; 3. Phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chương trình du lịch; 4. Quảng bá, xúc tiến và liên kết hợp tác phát triển du lịch; 5. Bảo vệ và cải thiện môi trường du lịch; 6. Công tác tuyên truyền, giáo dục; 7. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; 8. Về cơ chế, chính sách và thu hút các nguồn vốn đầu tư; 9. Về nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước về du lịch.
TH