Huyện Krông Bông đẩy mạnh phát triển thủy lợi gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Krông Bông là một huyện căn cứ địa ở Nam Tây nguyên, có địa hình khá phức tạp, phía nam được che chắn bởi dãy Cư Yang Sin cao 2.442 m so với mực nước biển, phía bắc là dòng sông Krông Bông chảy ngược từ đông nam sang tây bắc, lại chịu ảnh hưởng khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa… Hàng năm, Krông Bông thường phải gánh chịu hậu quả của các đợt hạn hán, lũ lụt, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.
Ngày 27 tháng 12 năm 2016, Hội Nghị Ban chấp hành Đảng bộ Huyện khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 04/ NQ-HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 – 2020; Huyện cũng xác định để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, thì giải pháp Thủy lợi phải đi trước một bước.
Trong những năm qua, đặc biệt từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, trên cơ sở lồng ghép nguồn vốn dự án giảm nghèo bền vững, vốn chương trình 135 và các dự án khác, Huyện đã ưu tiên sửa chữa và xây dựng mới 39 công trình thủy lợi như: Đập Trâp Lei (Cư Đrăm) Đập Sơn Phong, Đập Buôn Ngô B (Hòa Phong) đập Hố Kè, đập An Ninh (Hòa Lễ), trạm bơm (Ea Trul, Hòa Lễ) v.v… và bê tông hóa trên 105 km kênh mương, đảm bảo tưới, tiêu ổn định cho 13.335 ha cây trồng các loại, đạt 79% so với tổng diện tích.
Nông dân xã Cư Kty hội thảo đầu bờ giống lúa Đài thơm 8
Để đưa Nghị quyết số 04/ NQ-HU vào cuộc sống, huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các xã vận động bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống ngô lai dài ngày sang trồng các loại giống ngắn ngày, biến đổi zen như: NK7328, NK67 NK6410…đưa giống sắn cao sản KM94, KM140 vào trồng đại trà, đẩy mạnh phát triển cây dứa, cây ăn quả… Từ việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng mà đã hình thành nên các vùng chuyên canh như: Vùng chuyên canh sản xuất ngô lai giống F1 (LVN10) 350 ha ở xã Hòa Tân, vùng chuyên canh mía gần 900 ha ở Cư Kty, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Hòa Lễ…vùng chuyên canh dứa đồi trên 500 ha ở Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao… vùng chuyên canh lúa, sắn ở hầu hết các xã, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực toàn huyện lên gần 434 ngàn tấn.
Ông Lý Trường Phú ở thôn 7 Hòa Lễ cho biết: Gia đình ông có 2,5 ha lúa ở cánh đồng Hố Kè, trước đây do không ổn định nguồn nước tưới, năng suất lúa bấp bênh, từ khi được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng Đập Hố Kè và kênh mương được làm bằng bê tông vững chắc, mỗi khi bước vào vụ người dân không còn phải tốn công sức để nạo vét, sửa chữa, cùng với việc ông chuyển sang gieo sạ giống lúa Nhị ưu 838, mỗi năm gia đình ông thu được 45 tấn lúa, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng trên 120 triệu đồng.
Còn ông Nguyễn Huệ Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong phấn khởi cho biết: Từ năm 2017 đến nay nhà nước đã đầu tư, xây dựng kiên cố 2 công trình thủy lợi và sửa chữa, nâng cấp 1 đập tràn, bê tông hóa hệ thống kênh mương, đảm bảo đủ nước tưới trong suốt vụ, nhờ có các công trình này mà bà con nông dân trong xã đã cải tạo trên 15 ha đất trồng màu sang trồng lúa nước 2 vụ, năng suất lúa 2 vụ đạt 14 tấn/ ha/ năm. Rất nhiều gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng lúa.
Về vật nuôi, huyện đã thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giống tinh bò ngoại như: Brahman, Red Angus, Durocmaster, BBB đến nay đã có trên 8.000 con bò được sinh sản qua phương pháp này; đưa giống Dê lai Bách thảo thay dần cho giống dê địa phương, mở rộng nuôi heo bằng đệm lót sinh học, nuôi heo siêu nạc, chăn nuôi theo hướng trang trại, nuôi bò thịt nhốt chuồng vỗ béo cũng được khuyến khích phát triển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản cũng được mở rộng về quy mô như mô hình nuôi cá Tầm, cá Lăng ở Cư Drăm, Yang Mao, Hòa Lễ…
Ông Trần Phú Đồng ở xã Cư Pui chia sẻ: Năm 2019 được Trạm Khuyến nông Huyện giới thiệu, ông đầu tư trên 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 04 con bò giống BBB về nuôi thử nghiệm, sau đúng 10 tháng chăm sóc ông thu được 80 triệu đồng, từ kết quả trên, ông Đồng đã nhân rộng đàn bò lên chục con và sẽ tiếp tục phát triển thêm trong thời gian tới, với cách nuôi như hiện tại theo tính toán của gia đình thì bình quân một con bò thịt, mỗi tháng thu được 2.300.000 đồng, đã trừ chi phí thức ăn… Đây là một nguồn thu khá lớn đối với nông dân.
Với những bước đi có tính đột phá, đã góp phần đưa năng suất lúa đạt bình quân 6,3 tấn/ ha/vụ, tăng 0, 9 tấn/ha so với 2015; giá trị thu nhập bình quân trên đầu diện tích đạt từ 70 triệu đến 100 triệu/ha/năm; Đến cuối năm 2019 cơ cấu kinh tế của huyện: Nông. lâm nghiệp giảm xuống 42, 83% (Kế hoạch 43, 73%), công nghiệp xây dựng 24,67%; Thương mại, dịch vụ 32,5%. Bình quân thu nhập đầu người năm 2020 ước đạt 28,6 triệu đồng/người/năm, so với 2015 tăng 11, 5 triệu đồng/người/năm…
Bộ mặt nông thôn từng bước “thay da đổi thịt”, nếu năm 2015 toàn huyện mới đạt được 91 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (bình quân 7 tiêu chí/ xã) thì đến năm 2020 dự kiến đạt 153 tiêu chí ( bình quân 11,77 tiêu chí/ xã) trong đó xã Hòa Sơn phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới./.
Mai Viết Tăng