Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 02/11/2021

Huyện Krông Bông chú trọng phát triển giao thông nội đồng

Song song với việc kiên cố hóa hệ thống giao thông nội vùng và kênh mương nội đồng, để nông nghiệp của huyện Krông Bông trở thành bệ đỡ cho phát triển kinh tế, thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn Ngân sách nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Dự án giảm nghèo bền vững và Nhân dân đóng góp, hầu hết các phương trong huyện đã ưu tiên để kiên cố hóa giao thông theo hình thức “2 trong 1” (giao thông nội vùng gắn với giao thông nội đồng) đến từng vùng sản xuất đảm bảo thuận lợi nhất cho sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Xã Hòa Phong có 18,37 km đường nội vùng và 39 km đường nội đồng (trong đó: Theo chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới dự kiến nâng cấp, mở mới 22km nội đồng), trước đây 100% các tuyến giao thông nội vùng là đường đất và đường nội đồng là những lối mòn do dân tự mở, mùa mưa lầy lội, mùa nắng ổ gà, ổ voi khiến cho việc đi lại, vận chuyển sản phẩm của nông dân vô cùng khó khăn…Thực hiện đề án xây dựng Nông thôn mới, xã đã linh hoạt sử dụng nguồn vốn (Ngân sách nhà nước, lồng ghép dự án và Nhân dân đóng góp trên 700 triệu đồng để cứng hóa những tuyến đường giao thông nội vùng, nội đồng trên địa bàn). Đến nay, 90% đường giao thông nội vùng ở các khu dân cư đã được bêtông và nhựa hóa, nổi bật, là những con đường “2 trong 1” nối liền từ thôn, buôn này đến thôn, buôn khác và cũng là con đường chính dẫn đến khu sản xuất như: đường thôn 1 đến khu sản xuất nối liền với cầu treo Noh Prông dài 1.609mét ( đây là tuyến đường nằm trong dự án giao thông nội vùng 5,3 km, số vốn đầu tư 14 tỷ 106 triệu đồng từ Ngân sách tỉnh (theo Nghị quyết số 28 ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh), hoặc bê tông và nhựa hóa con đường từ tổ Vân Kiều (thôn 2) thông suốt khu sản xuất đến Buôn Ngô A dài 1.500 mét với tổng số vốn  là 1tỷ620 triệu đồng, (nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới). Ngoài ra, còn có những con đường giao thông nội đồng do ngân sách xã và nhân dân đóng góp…

Đường giao thông nội vùng thôn 5, xã Hoà Phong

Ông Đỗ Văn Lát trưởng thôn 1 (Hòa Phong) cho biết: Thôn 1 có 466 ha đất sản xuất, trong đó có 320 ha là cây công nghiệp dài ngày cà phê, điều, cao su…  chủ yếu nằm ở khu vực bên kia sông Krông Bông và khu vực sân bay K17 (tên sân bay dã chiến của chế độ cũ trước năm 1975), nhưng những con đường này trước đây chỉ  là những lối mòn do dân tự mở, nên mỗi vụ thu hoạch, bà con phải dùng quang, gánh để đưa sản phẩm về nhà, vào mùa mưa lũ thu hoạch xong không kịp vận chuyển bị nước lũ cuốn trôi trong đêm, trước tình hình đó nhân dân đã họp và thống nhất đóng góp 125 triệu đồng cùng với ngân sách xã hỗ trợ 50 triệu đồng để bê tông 700 mét và cấp phối 2,3 km đường nội đồng, rộng từ 2,5 đến 3,5 mét, nhờ vậy, mà việc đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản của nông dân đỡ vất vả hơn…

Ông Bùi Văn Huệ ở thôn 2 (Hòa Phong) chia sẻ: Cách đây hơn 5 năm, gia đình ông thu hoạch cà phê, do không có đường giao thông và phải chờ đò vận chuyển, gặp mưa lũ tràn về gia đình ông đã bị lũ cuốn trôi 700 kg cà phê, từ ngày có đường giao thông đến nay xe công nông, ô tô đến tận nơi vận chuyển, nhiều gia đình không có phương tiện vận chuyển thì bán sản phẩm tại đồng nên bà con phấn khởi lắm…

Đường ra cánh đồng ở thôn Điện Tân, xã Cư Pui được bê tông hoá

Tương tự, xã Hòa Lễ có 21 km đường giao thông nội vùng và 27 km đường giao thông nội đồng, với trên 1.500 ha đất canh tác, trong đó có gần 800 ha nằm dọc theo sông Krông Bông và khu vực Cầu cháy (tỉnh lộ 12 cũ) mặc dù điều kiện kinh tế của xã còn khó khăn, đến nay, mới có 71% tuyến giao thông nội vùng được bê tông và nhựa hóa, song để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, những năm qua xã đã ưu tiên đầu tư kinh phí để phát triển giao thông nội đồng.

Ông Võ Châu Thắng cán bộ Giao thông-thủy lợi xã Hòa Lễ cho biết: Với diện tích gieo trồng bình quân mỗi năm là 2.197 ha. Sản lượng nông sản bình quân đạt trên 9.600 tấn/ năm, do đó nhu cầu đi lại sản xuất và vận chuyển sản phẩm của nông dân là rất lớn… Qua khảo sát, xã đã có chủ trương cứng hóa đường giao thông nội vùng gắn với giao thông đồng ruộng theo thứ tự ưu tiên, đối với những cánh đồng gần khu dân cư khi làm đường bê tông nối dài thêm từ đường nội vùng chính đến chân ruộng, đối với những vùng sản xuất riêng biệt thì xã đầu tư kinh phí làm đường bê tông theo trình tự cuốn chiếu nơi nào khó khăn làm trước. Đến nay, đã có 4 tuyến đường giao thông nội vùng riêng biệt dài 3.044 mét được bê tông hóa, với tổng kinh phí trên 3 tỷ 300 triệu đồng…

Việc phát triển giao thông nội đồng đã và đang được các cấp ủy Đảng và chính quyền ở các địa phương trong huyện triển khai, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp./.

                                                                                           Mai Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang