Huyện Krông Bông 40 năm hình thành và phát triển
Cách đây tròn 40 năm, ngày 19-9-1981 huyện Krông Bông được thành lập theo QĐ số 75-QĐ/HĐBT- nay là Chính phủ, trên cơ sở chia tách 10 xã phía Nam của huyện Krông Pắc với tổng diện tích 1.257 km2, dân số trên 35.000 người. Ngược dòng thời gian 56 năm về trước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, huyện Krông Bông mang mật danh H9 là vùng căn cứ cách mạng, là vùng đất được giải phóng sớm nhất tỉnh vào ngày 9/5/1965. Kể từ đó đến trước ngày thống nhất đất nước, H9 – Krông Bông trở thành nơi che dấu, nuôi dưỡng và cưu mang các cơ quan kháng chiến của tỉnh Dak Lak để lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Là một huyện căn cứ cách mạng “đi trước về sau”, nên sau ngày thành lập huyện, điểm xuất phát đi lên của huyện Krông Bông thấp hơn rất nhiều so với các huyện khác trong tỉnh. Cùng với cơ chế bao cấp kéo dài suốt thập niên 80 và nữa đầu thập niên 90 đã kiềm hãm sự phát triển đi lên của một huyện còn non trẻ với nhiều khó khăn chồng chất đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đó là: Mặt bằng dân trí thấp, cơ ở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn lạc hậu, thiên tai lũ lụt xảy ra liên miên, dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét hoành hành ở nhiều địa phương trong huyện. Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện phát huy truyền thống của quê hương căn cứ cách mạng, tinh thần tự lực tự cường ra sức khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xây dựng cuộc sông mới trên quê hương căn cứ cách mạng….
Khánh thành bia di tích lịch sử Đại hội 3, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tại buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui
Với quyết tâm đặt ra là phải chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, phát triển đi lên bằng chính nền sản xuất nông nghiệp nên từ chỗ chỉ có hơn 200 ha ruộng nước 2 vụ với mức năng suất đạt chưa tới 3 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực chỉ đạt trên dưới 10.000 tấn, bình quân lương trhực đầu người chỉ đạt 214kg/người/ năm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Krông Bông đã chung sức, chung lòng làm nên bước đột phá để đến năm 2020 diện tích cây trồng của huyện đã tăng lên 36.600 ha, sản lượng lương thực đạt 470.000 tấn, bình quân lương thực đầu người vượt con số 5.000kg/năm. Cùng với phát triển sản xuát, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vừa phát huy nội lực, vừa tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trước hết là ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, công trình giao thông, trường học, cơ sở khám chữa bệnh để đáp ứng yêu cầu đảm bảo dân sinh, nâng cao dân trí cho nhân dân, đồng thời đặt nền móng cho sự nghiệp phát triển KT-XH những năm tiếp theo. Với tinh thần tự lực, tự cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối đổi mới của Đảng để phát huy thế mạnh về tài nguyên đất đai lao động sẳn có, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước để phát triển đi lên, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về KT-XH, tạo tiền đề để phát triển đi lên ngay từ những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới.
Buôn làng đổi mới
40 năm xây dựng và phát triển, trong đó có hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, diện mạo KT-XH của huyện đã có những thay đổi đáng kể, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp dần đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hóa. Sản lượng lương thực tăng gấp 15 lần so với năm 1981. Hệ thống thủy lợi, kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH với 21 trường học đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư xây dựng hoàn thiện, cùng với bệnh viện đa khoa cấp huyện ngày càng được đầu tư nâng cấp, 100% Trạm y tế xã có bác sĩ và đạt chuẩn quốc gia phục vụ tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Điện lưới quốc gia đã phủ kín 14 xã, thị trấn trong huyện. Hơn 98% số hộ gia đình sử dụng điện trong sản xuất và sinh hoạt; sóng phát thanh truyền hình phủ đến 100% số xã. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu. Đã có 96/140 thôn, buôn, TDP được công nhận thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa. 15.300/23.217 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, đến nay huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 25%. Công tác an ninh - quốc phòng được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Xã Hoà Sơn đạt chuẩn nông thôn mới
Phát huy thành tựu đạt được, huyện Krông Bông tiếp tục đặt ra mục tiêu và các giải pháp phấn đấu thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và NQ đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh khai thác triệt để các nguồn lực, tiềm năng sẵn có của địa phương. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội theo hướng phát triển bền vững. Quy hoạch, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp với du lịch lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo QPAN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc
Toàn cảnh thác Krông Kmar huyện Krông Bông
40 năm hình thành và phát triển, huyện Krông Bông hôm nay đã thay da, đổi thịt. Những thành tựu đạt được trong 40 năm qua là cơ sở, là hành trang, là động lực vững chắc để quê hương H9 – Krông Bông anh hùng tiếp tục đoàn kết, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai./.
Bài: Phúc Trình ; ảnh: Ngọc Sơn