Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 19/03/2024

Hội nghị Hỗ trợ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ trên địa bàn huyện

Chiều ngày 18/3, UBND huyện đã tổ chức Hội nghị Hỗ trợ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ trên địa bàn huyện Krông Bông. Đ/c Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.

Về dự hội nghị có đ/c H’ Kim Rơ Chăm, Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Đại diện Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm NLN Lâm Đồng; Lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành liên quan của huyện cùng lãnh đạo UBND, Chủ tịch Hội nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Báo cáo của phòng Nông nghiệp tại hội nghị cho thấy, trong những năm qua, việc trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện đã phát triển cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định, với thu nhập bình quân mỗi năm của mỗi hộ dân từ 360 đến 400 triệu đồng trên 1ha trồng dâu nuôi tằm, từ đó đã tạo sinh kế giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, toàn huyện có 51 hộ trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích trồng dâu hơn 50ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Lễ, Yang Reh, Cư Đrăm, Hòa Phong, Cư Pui và Hòa Thành. Điều đáng mừng là hiện nay, cây dâu, con tằm đang giữ vị trí quan trọng trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp địa phương. Huyện cũng đã và đang tập trung đầu tư để phát triển, đưa dâu tằm tơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong những năm tới đây. Tại hội nghị các đại biểu cũng đã nghe Tiến sĩ Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam thông tin về tình hình sản xuất của ngành dâu tằm tơ trong cả nước. Quy trình trồng, chăm sóc, áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật để từ đó ứng dụng, mở rộng sản xuất, bảo vệ, phòng trừ dịch bệnh trên dâu tằm.

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về khoa học kỹ thuật, giải pháp mở rộng diện tích dâu tằm, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén…

Phát biểu kết luận hội nghị, đ/c Lê Văn Long Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Để nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng dâu tằm tơ góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong thời gian tới. UBND huyện đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan cũng như chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư, khuyến khích và mở rộng sản xuất đối với các hộ dân có điều kiện phù hợp để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Để giúp người dân nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế từ nghề trồng dâu nuôi tằm, ngoài việc chú trọng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay… huyện hướng tới xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có thể phát triển thành mô hình điểm mà ở đó doanh nghiệp giải quyết đầu ra, hợp tác xã làm cầu nối liên hệ, còn người nông dân sản xuất theo quy trình kèm theo sự hỗ trợ của nhà khoa học. Có như vậy, nghề trồng dâu nuôi tằm của huyện mới có thể phát triển một cách nhanh, mạnh và bền vững.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang