Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi
Chiều ngày 28/4, UBND huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT -XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 và quý I năm 2023. Đ/c Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT -XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Bông giai đoạn 2022 -2025 là 241 tỷ 747 triệu đồng. Trong đó vốn đầu tư phát triển là 194 tỷ 271 triệu đồng; vốn sự nghiệp 47tỷ476 triệu đồng; vốn trung ương, vốn ngân sách tỉnh 237 tỷ246 triệu đồng; vốn đối ứng của huyện 4 tỷ 661 triệu đồng. Năm 2022, dựa trên quyết định giao dự toán kinh phí sự nghiệp của UBND tỉnh và quyết định phân bổ kinh phí của UBND huyện, nguồn vốn này được giao cho huyện là 20tỷ 411 triệu đồng để triển khai các dự án thuộc chương trình gồm: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuổi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong đồng bào DTTS & MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy sinh dưỡng trẻ em và một số tiểu dự án khác,… Hầu hết các dự án đều gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nên chưa thực hiện được và đề nghị chuyển nguồn sang năm 2023. Riêng nguồn vốn đầu tư phát triển đã triển khai thực hiện được 15 dự án gồm các công trình đường giao thông nội vùng, liên thôn và các trường học.
Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các tiểu dự án như: Một số văn bản hướng dẫn của các bộ, cơ quan Trung ương hướng dẫn tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình còn chưa rõ, chưa cụ thể hoặc chưa ban hành gây khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện tại địa phương…
Phát biểu kết luận hội nghị, Đ/c Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Đây là Chương trình mới, bộ phận tham mưu của một số cơ quan, ban ngành, địa phương chưa có kinh nghiệm, chưa được hướng dẫn kịp thời, cụ thể nên còn lúng túng trong công tác phối hợp với cơ quan được giao chủ quản Chương trình. Vì vậy đồng chí mong muốn các địa phương cùng tìm tòi, sáng tạo những cách làm mới, phương pháp hiệu quả để có được những định hướng ban đầu quan trọng cho quá trình thiết kế, xây dựng Chương trình nhằm đạt kế hoạch đề ra cũng như đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở địa bàn khó khăn. Các cơ quan chủ trì dự án, phải nắm sát chương trình, hàng tháng phải có báo cáo theo tiến độ, công việc đã triển khai, kết quả đến đâu, gặp vướng mắc gì để có hướng giải quyết, triển khai hiệu quả chương trình trong thời gian tới.
Ái Phương