Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng ở xã Hòa Lễ
Là một trong những địa phương có diện tích trồng rừng tập trung và phân tán khá lớn trong huyện Krông Bông, đến nay xã Hòa Lễ có 82 hộ tham gia trồng được 117 ha rừng tập trung và các đoàn thể, hộ gia đình trên địa bàn xã trồng trên 30.000 cây Bạch đàn, Keo tai tượng, Sao đen… phân tán ở các khu dân cư, vườn tạp và dọc theo tuyến đường giao thông…hầu hết đã và đang trong thời kỳ khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Ông Lê Văn Lọ, 63 tuổi, ở thôn 11 cho biết: Năm 1986 hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình ông đăng ký đi xây dựng kinh tế mới ở xã Hòa Lễ. Cũng như bao người nông dân khác, những năm đầu khi đến vùng đất mới, gia đình ông tập trung khai hoang được 3 ha trồng cây lương thực, thực phẩm nhưng cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn. Sau khi nghe Ủy ban nhân dân xã phát động trồng cây, gây rừng, các gia đình trong thôn nhà nào cũng trồng đạt chỉ tiêu 10 cây/ hộ. Riêng bản thân ông do sức khỏe không bằng những người lành lặn, đất vườn nhà lại rộng, nếu trồng rừng thì cũng góp được một phần nhỏ vào việc bảo vệ “lá phổi xanh” nơi mình sinh sống. Suy nghĩ là làm, nhưng khi bắt tay vào trồng rừng Bạch đàn ông đã phải nghe nhiều lời “bàn ra, tán vào” của những người chung quanh nào là trồng Bạch đàn là xấu đất, rồi trồng rừng thì đến bao giờ mới được ăn… Tuy nhiên, với bản lĩnh của một người lính ông không chịu bỏ cuộc, qua tìm hiểu ông biết được loại cây Bạch đàn Úc rất phù hợp với việc trồng phân tán và không hề gây xấu đất, hoặc ảnh hưởng nhiều đến các loại cây trồng khác gần đó, nên ông quyết định kiếm nguồn cung ứng giống và trồng 492 cây Bạch đàn Úc ở chung quanh bờ lô 3 ha đất vườn nhà. Qua hơn 10 năm chăm sóc, rừng bạch đàn của gia đình ông phát triển xanh tốt, hiện tại đã có rất nhiều Công ty đến đặt vấn đề thu mua khai thác trọn gói với giá 600 triệu đồng, song ông vẫn chưa đồng ý bán.
Còn Ông Nguyễn Hữu Kỳ năm nay 64 tuổi, ở thôn 11 xã Hòa Lễ cho biết: Do gia đình đến sau nên ông phải đi tìm những vùng đất xa khu dân cư để sản xuất. Với tính cần cù, chịu khó sau một thời gian ông đã khai hoang được 6 ha trồng cây lương thực lúa, sắn… song do điều kiện canh tác không thuận lợi, năng suất các loại cây trồng thấp. Sớm nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng, ông quyết định chuyển đổi 03 ha đất trồng sắn sang trồng keo tai tượng, một loại cây dùng làm nguyên liệu giấy và một số công dụng khác. Mặc dù trồng cây keo tai tượng đòi hỏi thời gian kéo dài trên 5 năm mới cho thu hoạch nhưng chi phí đầu tư thấp, khi mới trồng thì chỉ cần bón một lượng phân vừa đủ để cây phát triển, còn những năm sau chú trọng việc vệ sinh thực bì để tránh bị cháy khi mùa hanh khô. Đến nay, qua 5 năm chăm sóc rừng keo tai tượng của gia đình ông phát triển khá tốt và có thể khai thác. Theo giá thị trường hiện tại, nếu bán hết 3 ha thì gia đình ông cũng thu được 450 triệu đồng, đây là nguồn thu không nhỏ đối với một gia đình nông dân…
Qua tìm hiểu tại xã Hòa lễ còn có nhiều hộ gia đình khác cho thu nhập khá cao từ trồng rừng. Ông Võ Châu Thắng cán bộ Nông Lâm nghiệp xã Hòa Lễ cho biết: Để mở rộng diện tích trồng rừng tập trung, hàng năm xã đã liên kết với Dịch vụ bảo vệ môi trường rừng, Vườn quốc gia Cư Yang Sin để tổ chức cho bà con đăng ký trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc trên các diện tích có độ dốc 10% trở lên, đối với trồng rừng phân tán thì xã giao cho các đoàn thể nhận trồng, chăm sóc trên các tuyến đường giao thông nông thôn và những khu công cộng. Nhờ vậy, đến nay phần lớn những diện tích rừng trồng của các gia đình đều phát triển và được các công ty đến trả mua với giá cao, nhiều tuyến giao thông có cây che bóng mát. Ông cho biết thêm: Thấy được lợi ích từ rừng, qua phát động trong năm 2019 đã có 121 gia đình đăng ký trồng trên 100 ha Bạch đàn và Keo tai tượng, nhưng hiện tại vẫn chưa có nguồn giống cung ứng.
Hy vọng với tư duy mới trong sản xuất nông - lâm nghiệp và hiệu quả kinh tế từ rừng sẽ mở thêm một hướng đi cho người lao động ở nông thôn./.
Mai Viết Tăng