Hiệu quả Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên ở Ea Trul
Sau 3 năm triển khai, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại xã Ea Trul đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Dự án đã trao cơ hội và là cầu nối quan trọng giúp nhiều người nghèo tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Mô hình nuôi bò lai sinh sản của Tiểu dự án phát triển sinh kế tại buôn Băng Kung được triển khai từ năm 2015 bước đầu cho thấy tín hiệu tốt từ các hộ nuôi, đàn bò phát triển tốt và có nhiều triển vọng vì được triển khai dựa trên nhu cầu thực tế và đề xuất của chính các hộ dân nơi đây. Với tổng số 11 hộ tham gia, nhóm đã xây dựng ý tưởng, lên phương án chăn nuôi, đồng thời cùng chịu trách nhiệm. Để phát triển đàn bò các hộ còn chủ động trồng thêm cỏ, duy trì các nguồn thức ăn ổn định và luôn bàn bạc thống nhất chọn ra hướng đi chung trong quá trình chăn nuôi. Bà Amí Xuân hộ tham gia Tiểu dự án cho biết, nhóm nuôi bò bắt đầu triển khai thực hiện nuôi từ năm 2015, thời gian qua các hộ nuôi bò đều cố gắng chăm sóc đàn bò, nên đàn bò phát triển tốt nhiều hộ đã có bò sinh sản thêm bê con từ đó bà con rất phấn khởi.
Mô hình Tiểu dự án sinh kế nuôi dê của 20 hộ dân tại buôn Plum được triển khai từ chính đề xuất của các hộ dân. Đến nay, mô hình không chỉ đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân mà còn có triển vọng tốt giúp người dân tăng thu nhập vì dê rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi nơi đây. “Nguồn thức ăn tại địa phương khá dồi dào, đàn dê không thiếu cỏ, khi bắt đầu nuôi tuy chưa có kinh nghiệm nên còn lo lắng nhưng sau một thời gian thấy dê cũng phát triển khá tốt, khỏe mạnh. Bà con nơi đây ai cũng rất phấn khởi vì nhờ nuôi dê đã đem lại cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giàu” ông Ama Vin, nhóm trưởng Tiểu dự án sinh kế nuôi dê buôn Plum hồ hởi nói.
Mô hình nuôi bò sinh sản của ông Ama Thi, buôn Băng Kung, xã Êa Trul
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai tại xã Ea Trul hiện thành lập được 26 nhóm sinh kế tại 9 thôn, buôn trên địa bàn chủ yếu là thực hiện các Tiểu dự án về chăn nuôi bò, dê, heo, kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, trồng đậu phụng, nuôi gà thả vườn, trồng nấm… Nhờ trao quyền tự chủ cho người dân, lại được hỗ trợ về vốn, tập huấn về khoa học kỹ thuật và có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ, thời gian qua các dự án sinh kế đã tạo cho người dân ý thức tự vươn lên để thoát nghèo.
Anh Y Bích Byă, Buôn trưởng buôn Plum cho biết: “Tại địa bàn của buôn được triển khai tiểu dự án sinh kế “Nhóm LEG nuôi dê sinh sản” sau 3 năm triển khai và thực hiện, đàn dê sinh sản tốt, khỏe mạnh nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ mô hình nuôi dê này. Thời gian này ban quản lý xã đang triển khai thêm một số tiểu dự án mới như nhóm LEG nuôi heo tại địa bàn buôn Plum, bà con đang xây dựng hệ thống chuồng trại và sẽ phát triển dự án trong thời gian sắp tới”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Phó Ban phát triển xã Ea Trul cho biết: “Dự án giảm nghèo Tây Nguyên khác với các dự án khác ở chỗ là được nhân dân trực tiếp và đề xuất xây dựng các mô hình theo nhu cầu thực tế của chính họ. Và cũng chính từ thành công của các nhóm sẽ lan tỏa ra các hộ dân lân cận, người ta thấy các thành viên nhóm sinh kế làm ăn tốt thì người ta cũng làm theo, học hỏi và mong muốn thời gian tới sẽ được tham gia vào dự án”.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban phát triển xã Ea Trul đã thành lập ban quản lý nhóm có 9/12 nhóm LEG nuôi dê, nuôi heo; có 180 hộ gia đình hưởng lợi tham gia, trong đó hộ nghèo và cận nghèo là 70%, hiện đã tổ chức tập huấn được 9/13 nhóm với 180 người tham dự. Hy vọng rằng khi dự án kết thúc vào năm 2019 sẽ có nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững”, Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Ban phát triển xã Ea Trul, Krông Bông cho biết.
Xuân Thái