Hiệu quả của công tác dân vận ở các thôn đồng bào H’Mông
Huyện Krông Bông có 14 thôn đồng bào H’Mông di cư từ các tỉnh phía bắc vào sinh sống, lập nghiệp, với 2.225 hộ, 13.176 khẩu, tập trung ở 3 xã vùng sâu là Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm. Trong những năm vừa qua, công tác dân vận trong các thôn đồng bào H’Mông đã đem lại những tín hiệu tích cực.
Năm 1996, xã Cư Drăm quy hoạch 1 thôn cho đồng bào H’Mông di cư tại Yang Hăn với khoảng 200 hộ dân. Tuy nhiên những năm sau đó, đồng bào từ các tỉnh phía Bắc vào tăng đột biến, làm cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Từ việc thiếu đất sản xuất, thiếu nhà ở, tình trạng đói nghèo, nạn tảo hôn, sinh đông con, săn bắn thú rừng, phá rừng làm rẫy đến việc sinh hoạt Tôn giáo trái quy định... Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là sự nỗ lực của hệ thống chính trị của xã Cư Drăm trong công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay, 6 thôn người dân tộc H’Mông di cư của xã Cư Drăm với 854 hộ, 5063 khẩu đã có cuộc sống tương đối ổn định. Người dân đã có ý thức tự giác cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Đồng bao thôn Ea Uôl, xã Cư Pui tham gia sửa chữa đường giao thông nội vùng
Nhiều năm qua, dù cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà gần 100% gia đình đã đóng góp mỗi hộ từ 2 đến 4 triệu đồng để dẫn nước sạch tự chảy về dùng; tỉ lệ sinh con trong đồng bào H’Mông đã giảm xuống rõ rệt, nhiều thôn không còn tình trạng tảo hôn, không có tình trạng nghiện ma túy, một số nhóm đạo Tin Lành đã được công nhận sinh hoạt. Đặc biệt vừa qua trong các thôn đã có nhiều gia đình hiến hàng ngàn mét vuông đất không cần hỗ trợ để làm đường giao thông nông thôn, làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Gia đình ông Hoàng Seo Dìn (thôn Ea Luêh) tuy hoàn cảnh khó khăn, có 7 đứa con nhưng đã hiến 200m chiều dài đoạn đường để làm đường Dự án đi ngang qua nhà; gia đình ông Vàng Seo Cơ (thôn Ea Luêh) cũng đã hiến hơn 500 m2 đất trị giá gần 100 triệu đồng để làm đường. Ông Cơ tâm sự: “Lúc đầu khi ban tự quản đến vận động hiến đất làm đường, gia đình không đồng ý vì thấy diện tích đất hiến nhiều. Nhưng khi cán bộ xã xuống tuyên truyền, vận động, phân tích về lợi ích của việc hiến đất làm đường đối với người dân và chính gia đình nên mình đã vận động gia đình hiến đất mà không cần hỗ trợ”.
Cư Pui là điểm sáng trong công tác dân vận của huyện Krông Bông. Là xã vùng sâu có nhiều đồng bào H’Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào với 1.196 hộ, 7.750 khẩu. Để ổn định cuộc sống cho đồng bào di cư, ngay từ đầu cấp Ủy, chính quyền, đoàn thể xã Cư Pui đặc biệt coi trọng đến công tác dân vận. Phải nói rằng, cả hệ thống chính trị của Cư Pui đã vào cuộc một cách tích cực với rất nhiều giải pháp sáng tạo. Ngoài các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị thì các mục sư ở các điểm nhóm Tin Lành trong các thôn đồng bào H’Mông cũng góp công lớn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Cư Pui hiện có 20 điểm nhóm Tin Lành (4 điểm nhóm đã được công nhận) với 6.148 tín đồ nên cấp ủy, chính quyền xã Cư Pui thường xuyên phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động các tín đồ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không những vậy, Cư Pui là địa phương có điều kiện khó khăn nhất của huyện nên lãnh đạo huyện Krông Bông cũng rất quan tâm. Thường xuyên tổ chức các đợt phát động quần chúng, các chuyến thăm, tặng quà đồng bào nghèo…
Các đồng chí lãnh đạo huyện Krông Bông thăm đồng bào thôn Ea Rớt, xã Cư Pui
Sự nỗ lực sáng tạo trong công tác dân vận ở xã Cư Pui đã đem lại rất nhiều kết quả. Cuộc sống của đồng bào H’Mông đang dần ổn định. Người dân đã tích cực chung tay xây dựng quê hương thứ hai. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, 6 thôn đồng bào H’Mông đã đóng góp hàng trăm triệu đồng tiền mặt, hơn 4.000 ngày công, hiến gần 70.000 m2 đất, 500 cây cà phê với tổng giá trị hơn 4 tỉ đồng để mua đất làm trường học, làm nhà sinh hoạt cộng đồng, sân trường, sân chơi thể thao, sửa cầu, làm đường giao thông... Riêng 6 tháng đầu năm 2019, người dân ở các thôn đồng bào H’Mông thôn Cư Tê đã hiến 30.000 m2 đất, 52 cây cà phê, nhiều ngày công và 30 triệu đồng để làm 3,5 km đường ở thôn Cư Tê. Chia sẻ về những giải pháp trong công tác dân vận ở Cư Pui, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Có được kết quả như hôm nay, Cư Pui đã phải cố gắng, nỗ lực trong cả một quá trình. Đã xây dựng được niềm tin của người dân bằng chính những thành quả đạt được trong quá trình tuyên truyền, vận động một cách trực quan mà người dân được hưởng lợi từ sự chia sẻ, đóng góp, thực hiện nghĩa vụ của họ. Để công tác dân vận mang lại hiệu quả cao thì ngoài yếu tố khách quan, điều quan trọng là cái “Tâm” của người cán bộ làm công tác dân vận và sự vận dụng linh hoạt từ nhiều giải pháp”.
Tùng Lâm