Hiệu quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn huyện Krông Bông
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị nêu rõ, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tinh thần nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, trên cơ sở Chỉ thị số 40-CT/TW và các văn bản chỉ đạo triển khai của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, Huyện Krông Bông đã ban hành các văn bản để cụ thể hoá trong thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW, đồng thời chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, cấp ủy đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Huyện thực hiện cho vay được 47.992 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.680 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.026 tỷ đồng. Đến nay tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2024 đạt 662.728 tỷ đồng, với 13.393 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân 49,4 triệu đồng/khách hàng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 20 nghìn hộ cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, đã có trên 17 nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo. Thông qua việc vay vốn tín dụng ưu đãi đã tạo việc làm mới cho trên 2.623 lao động, đã có 5.404 HSSV vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trong đó có trên 4.000 HSSV đã ra trường, có việc làm ổn định và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng; có 12.458 công trình nước sạch, VSMT nông thôn được xây mới, cải tạo, nâng cấp; hỗ trợ 1.987 hộ nghèo làm nhà ở; duy trì và phát triển nhiều dự án, mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả,...Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, hàng năm UBND huyện đều quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay UBND huyện đã chuyển hơn 7,7 tỷ đồng từ ngân sách sang Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện, góp phần tăng tỷ lệ hộ được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội.
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ. Có thể nói, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội” nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện phải xác định chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương để thực hiện tăng trưởng tín dụng chính sách, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH; triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành đối với hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ TK&VV, việc sử dụng vốn của người dân; đẩy mạnh công tác truyển thông về chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng thụ hưởng làm cơ sở cho việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách; gắn tín dụng chính sách xã hội với phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.