Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần những giải pháp căn cơ
Krông Bông là huyện căn cứ cách mạng của tỉnh, dân số hiện nay hơn 107 ngàn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 42%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28,74%, hộ cận nghèo 17,17%, trong đó hộ nghèo các xã DTTS vùng sâu, vùng xa chiếm tỷ lệ từ 44,11% đến 53,37%. Những năm qua, bằng những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa từng bước “thay da, đổi thịt”, bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của người dân không ngừng chuyển biến theo hướng tích cực, khoảng cách chênh lệch giữa các vùng ngày càng thu hẹp…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nội tại và khách quan tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến vẫn còn cao…một số nguyên nhân dễ dàng nhận thấy như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tiếp thu khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường còn hạn chế, phần lớn thiếu vốn sản xuất, sinh hoạt, nên tình trạng vay mượn, ứng trước của những người buôn bán với lãi suất từ 3%/tháng trở lên khá phổ biến, do đã được “đầu tư, ứng trước” nên cuối vụ người nông dân đều bị ép giá, cộng với tâm lý ỷ lại vào người buôn bán cứ thoải mái “ăn trước, trả sau” dẫn đến người dân thành “con nợ triền miên”, khó thoát ra cái vòng luẩn quẩn đói nghèo…
Ông Y Nuôn Niê ở buôn Tliêr cho biết: gia đình ông có 2,5 ha cây trồng các loại, trong đó có 1 ha cà phê kinh doanh, vì không có vốn nên hàng năm ông đều phải vay mượn giống, phân bón của người “đầu tư”, theo đó giá thị trường, 1kg giống ngô lai 120.000 đồng đến mùa thu hoạch phải trả 150.000 đồng, giá 1 bao phân Urê (50kg) là 550.000 đồng đến vụ trả thành 750.000 đồng/bao; 1 bao phân NPK giá 700.000 đồng đến vụ trả thành 950.000 đồng/bao; nếu vay đầu tư cho cây cà phê thời gian kéo dài hơn thì giá thanh toán cao gần gấp đôi. Tương tự, 1 lít thuốc trừ sâu, giá 180.000 đồng, 1 lít thuốc trừ cỏ giá 150.000 đồng, khi cuối vụ đều thanh toán cao hơn 30.000 đồng đến 40.000 đồng/lít. Đến mùa thu hoạch giá bán cho người “đầu tư” luôn thấp hơn thị trường từ 2 đến 3 giá (ví dụ: thị trường mua 1 kg ngô là 5.200 đồng/ kg thì người buôn chỉ mua với giá 4.900 đồng/kg)…
Bà H Do Byă ở Buôn Ngô A (Hòa Phong) chỉ có 8.000m2 trồng sắn, nhưng ứng trước của người buôn 23 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng. Đến mùa thu hoạch giao hết sản phẩm vẫn chưa trả đủ…
Để công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, trong thời gian tới cần có những giải pháp mang tính chiến lược:
Trước mắt, gắn với mục tiêu: “xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” Chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội ở từng địa phương phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với các trưởng buôn, thôn, già làng, người uy tín, vận động nhân dân đóng góp cổ phần để phát triển đồng bộ “3 ngọn cờ hồng” là: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Tổ Hợp tác xã thương mại và Quỹ tín dụng nhân dân... Việc huy động vốn có thể đa dạng hóa hình thức đóng góp cổ phần phù hợp với điều kiện của gia đình như: đóng góp cổ phần bằng diện tích đất đai, bằng hiện vật, ngày công…
Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng chính sách xã hội và các cấp chính quyền địa phương cần có những chính sách về vốn, tạo điều kiện để các tổ chức Hợp tác xã, Quỹ Tín dụng nhân dân, tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, góp phần thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho đồng bào DTTS.
Ông Ngô Văn Năm Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Ea Trul cho biết: Với mong muốn giúp bà con nông dân nghèo có điều kiện sản xuất, năm 2017, HTX dịch vụ nông nghiệp Ea Trul được thành lập, có 33 xã viên, trong đó xã viên là đồng bào DTTS có 23 người, những năm đầu đi vào hoạt động BQT (ban quản trị) liên kết với một số Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng, phân bón, giống về cho xã viên, nhờ vậy hạn chế được tình trạng bà con phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao. Tuy nhiên, là 1 HTX dịch vụ nông nghiệp ở xã vùng 3, gần 70% xã viên là đồng bào DTTS, nhưng HTX chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, vì thế HTX phải “tự thân vận động” nên không tránh khỏi những khó khăn…
Thực tế, việc tiếp cận thị trường ở vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, do đó, không thể không nhắc đến vai trò của Tổ hợp tác thương mại (hình thức thấp của HTX mua bán), thực hiện tốt phương châm “mua những gì người dân cần bán và bán những gì người dân cần mua” sẽ giúp cho người dân không bị “thiệt đơn, thiệt kép”…
Muốn thực hiện các hình thức tổ chức nói trên, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ tâm huyết, xây dựng lòng tin và đủ uy tín làm “bà đỡ”, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức hoạt động. Bên cạnh đó các HTX cần phát huy thế mạnh, đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh theo chuỗi giá trị. Tạo điều kiện hơn nữa để xã viên HTX được đi đào tạo, học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng vào thực tiễn sản xuất và lan tỏa trong nhân dân.
Với lợi thế các xã viên của các HTX là người bản địa, thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng kết nạp những nhân tố tích cực vào Đảng, tiến tới thành lập tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo mọi phong trào của cơ sở./.
Mai Viết Tăng