Giá phân bón tăng cao nông dân gặp khó
Sau khi thu hoạch cà phê và lúa Đông xuân 2020 – 2021, bước vào vụ Hè thu nhu cầu phân bón cho các loại cây trồng tăng lên là điều tất yếu, tuy nhiên với giá phân bón tăng “chóng mặt” như hiện nay thì người nông dân không tránh khỏi lo lắng.
Ông Lê Văn Cho ở thôn 1 (Hòa Phong) có 1,5ha cà phê, thông thường qua mỗi mùa thu hoạch, gia đình ông phải đầu tư 3 tấn phân bón các loại để chăm sóc cho niên vụ sau. Tuy nhiên, giá phân bón các loại đã đều tăng, từ 16%-17%, cách đây khoảng ba tháng thì mỗi bao phân URÊ ( Đạm Phú Mỹ) loại 50 kg chỉ có giá 500.000 đồng/bao, nay tăng lên 580.000 đồng/bao, phân NPK Philippin tăng từ 540.000 đồng/bao lên 630.000 đồng/bao, phân Kali tăng từ 400.000 đồng lên 470.000 đ/bao. Việc giá phân bón tăng cao đồng nghĩa với việc chi phí phải tăng, theo tính toán của gia đình ông Cho thì mỗi ha phải chi phí thêm 3.200.000 đồng.
Ảnh minh hoạ, nguồn: Baochinhphu.vn
Gia đình bà Nguyễn Thị Bình ở thôn 6 (Hòa Phong) có 2 ha ruộng nước, mỗi vụ phải đầu tư 1,2 tấn phân các loại, với giá phân bón hiện tại thì vụ hè thu 2021, gia đình bà phải chi thêm 250 kg thóc, trong khi đó nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì năng suất lúa cũng chỉ đạt ổn định 10 tấn/ha.
Tương tự, như ông Lý Trường Phú ở thôn 7 (Hòa Lễ) có 2,5 ha ruộng nước, để đạt được năng suất lúa 12 tấn/ha, từ khi bón lót cho đến nuôi đòng gia đình ông đầu tư 3 tấn phân các loại, với giá phân hiện tại thì tổng số tiền mua phân là gần 34 triệu đồng (tương đương 4,5 tấn lúa)
Những nông dân mua phân bón trả tiền ngay thì còn đỡ, đối với những gia đình khó khăn phải mua chịu của đại lý đến cuối vụ thanh toán bằng sản phẩm thì còn “thiệt đơn, thiệt kép” ít nhất mỗi tháng phải chịu thêm lãi suất 3,5% của giá phân tăng và sản phẩm phải bán lại cho đại lý thấp hơn 1 giá.
Theo ông Trịnh Hai chủ đại lý phân bón “Hai Lúa” ở thôn 3 - Hòa Phong cho biết: Hàng năm khi đến vụ thì giá phân bón thường biến động theo chiều hướng tăng, chỉ tính riêng trong tháng 6 đã tăng 2 lần, việc phân bón “nhảy múa” không chỉ người nông dân khổ sở mà đại lý cũng gặp rất nhiều khó khăn, với số vốn có hạn nếu như trước đây đại lý nhập về 10 tấn thì nay chỉ nhập được gần 8 tấn; trường hợp người dân mua bằng tiền mặt thì đại lý còn có tiền quay vòng vốn, trường hợp mua chịu thì đại lý cũng khó lòng xoay xở…Việc phân bón tăng cao vẫn chưa dừng lại, có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn phân trong nước không đáp ứng nhu cầu.
Từ thực tế phân bón vô cơ thường biến động mỗi khi vào vụ, đã đến lúc người nông dân cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất theo hướng giảm dần phân hóa học, tăng cường nguồn phân hữu cơ, sử dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, cũng cần có những giải pháp đồng bộ tiêu thụ nông sản để người nông dân bớt lo lắng tình trạng “được mùa mất giá” ./.
Mai viết Tăng