Đồng bào DTTS xã Dang Kang Huyện Krông Bông áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là hiệu quả từ triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của huyện ủy, về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Krông Bông, nên ở các buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi. Bằng sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thoát nghèo vươn lên làm giàu, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy nhiều hộ đồng bào tại xã Dang Kang phát triển kinh tế gia đình ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến buôn Cư Păm xã Dang Kang, hầu hết người dân trong buôn ai cũng biết anh Y Um Êban là một gia đình làm kinh tế giỏi. Nhờ cần cù, chịu khó lao động, cố gắng tìm tòi, học hỏi trên báo đài, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên từ 1 sào ruộng lúa và 5 sào cà phê mà được gia đình vợ chia cho khi mới lập gia đình, sau đó gia đình đã cố gắng tiết kiệm tích góp mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất của gia đình. Hiện nay gia đình anh Y Um đã có 3 ha cà phê cho sản lượng từ 3 – 7 tấn cà phê nhân/năm với 7 ha ruộng lúa nước. Những năm gần đây, do diện tích cây cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, không mang lại hiệu quả cao, anh quyết định phá bỏ diện tích cây cà phê già cỗi sang tái canh cây cà phê giống mới, có năng suất cao hơn, trong đó 1 ha cà phê kết hợp trồng xen canh cây sầu riêng 3 năm tuổi, trồng thêm cây tiêu vườn nhà và chăn nuôi thêm bò.Với mức thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, gia đình anh đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, nuôi con cái học hành đầy đủ.
Theo chân anh Y Phong Niê ở buôn Cư Nun B xã Dang Kang đi thăm vườn sầu riêng gần 5 sào với 120 gốc cây sầu riêng 6 năm tuổi đang trong thời kì phát triển xanh tốt. Theo anh cho biết: Năm 2017, khi lập gia đình, anh được gia đình vợ chia cho 5 sào lúa nước và gần 5 sào đất vườn cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy anh quyết định nhổ bỏ diện tích cây cà phê sang trồng cây sầu riêng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Để vườn sầu riêng được phát triển bền vững và cho năng suất cao, đầu tiên anh chọn mua giống tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được nhiều người ở địa phương khác hay mua về trồng. Ban đầu do chưa biết về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên anh đã chịu khó học hỏi trên báo mạng internet, đi tham quan các mô hình kinh tế vườn sầu riêng có hiệu quả cao ở nơi khác để học tập kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng theo đúng quy trình kỹ thuật. Anh đã mạnh dạn đầu tư cho vườn sầu riêng của gia đình với tổng chi phí đã hơn 200 triệu đồng. Sau nhiều năm chăm sóc, vụ sầu riêng năm vừa qua đã cho thu hoạch bói với khoảng hơn 3 tấn trái, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng. Theo tính toán của anh đến mùa trái sầu riêng năm tiếp theo, vườn sầu riêng của gia đình sẽ cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả.
Đến thăm nhà gia đình ông Y Mi Kpơr cũng ở buôn Cư Nun B, xã Dang Kang. Ông chia sẻ: Khi mới lập gia đình, ông đã khai hoang hơn 2,5 ha đất rẫy, 1,8 ha ruộng lúa nước. Trước đây ,gia đình ông chỉ trồng bắp, tỉa đậu, làm lúa rẫy … đến năm 1995 gia đình ông sang trồng cây cà phê. Nhưng do không biết gì về khoa học kỹ thuật nên năng suất hàng năm luôn thấp.Trong những năm gần đây, diện tích cây cà phê đã già cỗi để trồng tái canh cà phê giống mới, có năng suất cao hơn. Đồng thời, trồng xen canh cây cà phê với khoảng 100 cây sầu riêng gần 3 năm tuổi, khi gặp khó khăn về kỹ thuật chăm sóc cà phê hay sầu riêng thì ông đã cố gắng tìm tòi, học hỏi trên báo đài và tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất trồng trọt – chăn nuôi do địa phương tổ chức, nhờ đó cà phê của gia đình ông đã đạt năng suất cao, mang lại thu nhập cao hơn, thu hoạch khoảng từ 3 – 5 tấn cà phê nhân/năm. Ngoài ra, gia đình ông hiện tại đang nuôi thêm 16 con trâu trong chuồng. Sau khi trừ chi phí gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Ngoài các gia đình anh Y Um Êban ,anh Y Phong Niê và ông Y Mi Kpơr thì trên địa bàn xã Dang Kang nói riêng và huyện Krông Bông nói chung còn có nhiều gương đồng bào DTTS làm kinh tế giỏi, xây dựng cuộc sống kinh tế gia đình phát triển, vươn lên làm giàu. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực trong sản xuất, còn có sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các cấp, các ban ngành liên quan của huyện đã giúp người dân vượt qua những khó khăn, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đầu tư và mua các thiết bị phục vụ sản xuất, giúp người dân phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu để ổn định cuộc sống.
Ông Trần Đăng Thông - chủ tịch Hội nông dân xã Dang Kang cho biết: “Trong những năm gần đây, trên địa bàn xã Dang Kang nói chung và các buôn vùng đồng bào DTTS nói riêng có nhiều hộ nông dân trồng cây sầu riêng xen canh với cây cà phê và hồ tiêu bước đầu có hiệu quả, nên địa phương tiếp tục khuyến khích hộ nông dân phát triển diện tích cà phê trồng xen canh với cây sầu riêng, hồ tiêu và các loại cây ăn quả khác. Đồng thời địa phương tập trung tuyên truyền phổ biến cho người dân phải phát triển cây cà phê vẫn là cây chủ lực theo định hướng. Theo đó trong phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nên thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở các buôn phát triển kinh tế gia đình ổn định, góp phần phát triển KT – XH ở địa phương.”
Tết đến xuân về, những bông hoa khoe sắc rực rỡ trên những nẻo đường của buôn làng. Những tấm gương làm kinh tế giỏi là những bông hoa đẹp cần nhân rộng và phát triển nhiều hơn ở các địa phương khác trên địa bàn huyện, để trong thời gian tới các buôn làng sẽ có thêm nhiều bông hoa tươi đẹp với sắc màu rực rỡ hơn.