Đề phòng bệnh uốn ván sơ sinh
Ngày 13/11/2019, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông nhận được thông tin từ Bệnh viện khu vực vùng Tây Nguyên về trường hợp ca Uốn ván sơ sinh.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành điêu tra sơ bộ xác nhận bệnh nhân Sính Văn An, sinh ngày 04/11/2019 tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui mắc bệnh Uốn ván sơ sinh. Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân phát bệnh từ ngày 11/11/2019 với triệu chứng sốt, bỏ bú, da vàng, vàng mắt. Đến 0h20 ngày 12/11/2019 nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Krông Bông và chuyển đến bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên lúc 13h00 cùng ngày với chẩn đoán: Uốn ván sơ so sinh ủ bệnh 6 ngày/theo dõi nhiễm trùng huyết sơ sinh.
Được biết, bệnh nhân sinh sớm 2 tuần trước ngày dự sinh, người mẹ mới 15 tuổi được tiêm 1 mũi uốn ván, tuy nhiên việc sinh tại nhà, tự đỡ đẻ và cắt rốn bằng dao lam, thắt rốn bằng chỉ, không băng rốn, dụng cụ cũng không được tuyệt trùng trước khi cắt rốn. Bệnh nhân cũng ở trên địa bàn đã từng có ca Uốn ván sơ sinh.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bệnh uốn ván là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do trực khuẩn uốn ván gây ra. Tác nhân gây bệnh uốn ván tồn tại chủ yếu dưới dạng nha bào và có mặt ở khắp nơi trong đất cát, môi trường, cống rãnh xung quanh. Bệnh uốn ván sơ sinh (UVSS) là bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ chủ yếu qua đường rốn trong quá trình sinh đẻ, cắt rốn hoặc chăm sóc rốn sau đẻ không đảm bảo vô trùng. Trẻ bị mắc bệnh uốn ván sơ sinh có biểu hiện lâm sàng và diễn biến rất nặng, trẻ bị co cứng, co giật và hầu hết đều tử vong. Đây là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ở trẻ em. Ngoài ra bệnh uốn ván cũng có thể xảy ra cho chính các bà mẹ trong quá trình sinh đẻ nếu cuộc đẻ không được đảm bảo vô trùng. Bệnh uốn ván sơ sinh hay gặp ở vùng miền núi, vùng nông thôn nơi có tỷ lệ đẻ tại nhà cao, đẻ và chăm sóc rốn không đảm bảo. Trên Thế giới hàng năm có khoảng 500.000 trẻ em chết vì UVSS, trung bình mỗi phút có 1 trẻ bị chết do UVSS. Chính vì vậy vào năm 1989, đại hội đồng Y tế Thế giới đã họp và thống nhất nhận định UVSS là vấn đề y tế công cộng rất nghiêm trọng liên quan đến sự sống còn của trẻ em cũng như của các bà mẹ và đặt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh trên phạm vi toàn cầu.
Tiêm vắc xin uốn ván là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con. Bản chất của vắc xin uốn ván là giải độc tố uốn ván tức là vắc xin được bào chế từ độc tố của vi khuẩn đã được làm mất tính độc, không phải làm từ vi khuẩn sống nên rất an toàn cho cả mẹ và con. Lịch tiêm uốn ván đầy đủ cho phụ nữ bao gồm 5 liều: liều 1 tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc cho nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại vùng nguy cơ cao (nếu chỉ tiêm 1 liều sẽ không tạo ra được kháng thể đủ để bảo vệ cho cả mẹ và con); liều 2 tiêm sau liều thứ nhất ít nhất 1 tháng; liều 3 sau liều 2 ít nhất 6 tháng hoặc lần có thai sau; liều 4 sau liều 3 ít nhất 1 năm hoặc lần có thai sau; liều 5 sau liều 4 ít nhất 1 năm hoặc lần có thai sau. Sau khi tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho chính bà mẹ trong quá trình sinh đẻ không bị mắc uốn ván.
Chí Quyết