Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 07/06/2024

Dang Kang phát triển hiệu quả mô hình nuôi trâu bò theo hộ gia đình

 

Mô hình nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế gia đình tại xã Dang Kang đang dần phát huy thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi trâu, bò hộ gia đình trong  bà con nông dân đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Dang Kang đang được coi là hướng đi phù hợp trong phát triển chăn nuôi.

Gia đình chị H Niêt Byă ở buôn Cư Nun B xã Dang Kang, ban đầu do ít vốn chỉ đầu tư nuôi một con trâu mẹ theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, gia đình chị đã duy trì phát triển được đàn trâu 16 con trong chuồng; góp phần tăng thêm thu nhập từ tiền bán giống trâu con. Chị H Niêt Byă cho biết: “từ khi nuôi đàn trâu đến nay, gia đình chị đã có 2 lần bán, lúc đầu gia đình chị bán để góp tiền mua thêm đất rẫy, lần thứ 2 chị bán để mua máy cày, đáp ứng nhu cầu phục vụ trong sản xuất. Với trị giá thời điểm đó bán được khoảng 25 triệu đồng một con.” Mặc dù nghề chăn nuôi trâu không phải thu nhập chính của kinh tế gia đình, nhưng nó đã giúp gia đình chị giải quyết được nhiều việc cần thiết như đầu tư vốn, mua các loại phân bón vật tư nông nghiệp, tận dụng nguồn phân bón từ việc nuôi trâu để tái đầu tư cho sản xuất.

Còn theo gia đình anh Y Khuê Byă và chị H Phong Niê Cũng ở buôn Cư Nun B, chăn nuôi bò đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ngoài trồng các loại cây hoa màu,  cà phê, lúa nước….gia đình anh chị đã đầu tư chuồng trại để nuôi bò nhốt hoặc đi chăn thả khi nông nhàn. Anh chị chia sẻ: “Đàn bò gia đình luôn duy trì với ít nhất trên 10 con ở trong chuồng, từ khi lập gia đình đến nay, anh chị đã có hơn 10 lần bán, với giá bán thời điểm đó là hơn 10 triệu đồng/con, nhờ đó mà anh chị có tiền góp thêm để xây dựng nhà ở khang trang, đầu tư vốn sản xuất..” Ngoài ra, với 13 con bò đang nuôi trong chuồng thì cứ buổi sáng sớm anh chị lại cùng nhau tranh thủ cào, hốt và phơi khô phân chuồng bán cho người trồng cà phê, sầu riêng…để có thêm nguồn thu nhập.

Ông Trần Đăng Thông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Dang Kang cho biết: “Ngoài việc trồng và sản xuất lúa nước, cây cà phê… thì nghề chăn nuôi bò theo hộ gia đình tại xã Dang Kang hiện nay cũng là mô hình phù hợp với địa phương, là sự lựa chọn đúng của bà con đồng bào tại đây. Mặc dù nghề chăn nuôi bò không phải nguồn thu chính của hộ gia đình nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập cho người chăn nuôi.”

Thời gian qua, nhằm trang bị cho nông dân chăn nuôi bò vỗ béo, địa phương đã phối hợp tổ chức các lớp dạy về nuôi, phòng ngừa, trị bệnh cho bò. Để khuyến khích người dân phát triển và duy trì mô hình chăn nuôi bò, UBND xã đã phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư con giống, chuồng trại, phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ phối lai cải tạo chất lượng đàn bò vàng địa phương theo nguồn kinh phí từ nghị quyết 04 của huyện ủy cho các hộ dân nuôi bò. Vì vậy, đến thời điểm nay, toàn xã Dang Kang có đàn Trâu 169 con và đàn bò 2.890 con, được các hộ chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng với nguồn thức ăn tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp và chăn thả khi nông nhàn. Với trị giá hiện nay hơn 10 triệu đồng/con. Từ việc chăn nuôi trâu, bò hộ gia đình, nhiều hộ dân ở các thôn, buôn trong xã đã có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang