Đảng bộ xã Hòa Phong chú trọng công tác phát triển đảng viên ở thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, Đảng bộ xã Hòa Phong (Krông Bông) luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Xã Hòa Phong hiện có 12 thôn, buôn, với 1989 hộ; 9087 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Êđê, Mnông có 5 buôn và 2 thôn là đồng bào dân tộc Mông đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc với 5.180 khẩu, chiếm 57% dân số toàn xã. Cũng như mọi vùng đồng bào di cư ngoài kế hoạch khác đến trong tỉnh suốt hai chục năm qua, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trình độ học vấn thấp, lại ảnh hưởng bởi phong tục tập quán du canh, du cư; phần lớn các thôn này chưa có tổ chức đảng và đảng viên. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng không tránh khỏi những bất cập về trình độ, năng lực thực tiễn, ngày thành lập Chi bộ xã (1979) chỉ có 2 đảng viên là người Mnông trưởng thành trong chiến tranh, (đến nay cả 2 đ/c đã từ trần). Do đó, trước đây việc phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hòa Phong là một bài toán nan giải.
Thực hiện, nghị quyết số 07/ NQ - TU ngày 03/03/2003 của Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố”, trong những năm qua Đảng bộ xã Hòa Phong luôn coi công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vì thế, Đảng bộ đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược lâu dài như: Quy hoạch, tạo nguồn, sắp xếp, bố trí cán bộ trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số vào những chức danh cán bộ, công chức của xã và hệ thống chính trị ở thôn, buôn. Mặt khác, đảng bộ giới thiệu các đồng chí đảng ủy viên về trực tiếp tham gia sinh hoạt và phân công giữ chức Bí thư chi bộ ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, theo dõi phát hiện những nhân tố tích cực bồi dưỡng, tạo môi trường công tác thuận lợi để giúp đỡ họ phấn đấu trở thành Đảng viên.
Với các giải pháp trên, công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay trong tổng số 123 đảng viên thuộc Đảng bộ xã, có 38 người là đồng bào DTTS chiếm 30,9%; 12/12 thôn, buôn có Chi bộ và 11/12 thôn, buôn có Đảng viên là người tại chỗ. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Đảng bộ kết nạp được 25 đ/c, trong đó đảng viên đồng bào DTTS là 13 đ/c, chiếm 52% so với đảng viên kết nạp mới, riêng thôn đồng bào di cư ngoài kế hoạch Noh Prông, đã kết nạp được 03 đảng viên, nâng tổng số đảng viên tại chỗ lên 4 đ/c.
Lễ kết nạp đảng viên ở thôn Noh Prông
Anh Lý Văn Cù sinh năm 1995, dân tộc Mông, hiện là thôn trưởng thôn Noh Prông cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương được Chi bộ bố trí làm thôn trưởng, đây là nhiệm vụ khá nặng nề đối với một thanh niên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm như anh, nhưng với mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp chung, anh đã không ngừng học tập, rèn luyện tác phong, đạo đức, trong công việc hàng ngày anh luôn lắng nghe ý kiến của những người đi trước, phối hợp với công an viên tuần tra nắm bắt tình hình, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, tháng 3/2018 anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Hoặc như anh Đào Văn Tài sinh năm 1995, dân tộc Mông có hoàn cảnh khá đặc biệt, năm 2014 anh thi đỗ vào trường Đại học Tây nguyên, ngày thi đỗ không có tiền nhập học, anh đã định phải nghỉ học ngay từ đầu, nhưng sau đó được Lâm trường huyện Krông bông đơn vị kết nghĩa với thôn, đã hỗ trợ cho anh một phần chi phí ban đầu, nhưng vì gia đình quá nghèo nên theo học được 2 năm, anh phải tạm gác lại ước mơ trở thành kỹ sư lâm nghiệp về địa phương lao động. Là một trong số rất ít thanh niên trong thôn có trình độ học vấn cao, anh được Chi bộ phân công làm Bí thư Chi đoàn, thông qua các phong trào hoạt động, tháng 3/2018 anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt nam.
Ông Nguyễn Văn Lắm - Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Noh Prông cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm tra lý lịch cũng như những điều kiện quy định trong điều lệ Đảng, nhưng với quyết tâm cao, chi bộ đã tập trung vào những đối tượng là bộ đội xuất ngũ, những thanh niên tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trung học cơ sở để giao việc và thử thách, trên cơ sở đó giới thiệu đi bồi dưỡng các lớp nhận thức về Đảng, ngoài 3 đ/c được kết nạp, hiện nay Đảng ủy đang hoàn thiện hồ sơ để kết nạp 01 quần chúng ưu tú ở thôn Noh Prông trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục xem xét kết nạp đảng viên ở thôn Ea Khiêm mới được chia tách cuối năm 2016, phấn đấu đến cuối năm 100% thôn, buôn có đảng viên tại chỗ.
Hầu hết những đảng viên người dân tộc thiểu số mới kết nạp đều có năng lực, uy tín với nhân dân, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị tại cơ sở, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Điển hình như Ông Y Biêr Êban sinh năm 1968, dân tộc Êđê, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Buôn phó Buôn Tliêr là một người nhiệt tình năng nổ, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia “Chung tay xây dựng nông thôn mới” ông cùng BTQ buôn, vận động nhân dân đóng góp mỗi năm từ 15 triệu đồng đến 22 triệu đồng và hàng ngàn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, các phong trào thi đua lao động sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống được đông đảo người dân hưởng ứng. Buôn được bình xét là lá cờ đầu trong phong trào của địa phương nhiều năm liền. Năm 2016 ông được kết nạp vào Đảng, qua phân loại cuối năm 2017 ông được bình xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Đảng bộ xã khen thưởng.
Là một đảng viên nữ duy nhất ở Buôn căn cứ cách mạng, được kết nạp tháng 7/2018 chị H’Nga Êung, sinh năm 1992 dân tộc Mnông, Chi hội trưởng phụ nữ buôn Ngô A chia sẻ: Được đứng vào hàng ngũ của Đảng vừa là niềm vinh dự đối với bản thân, gia đình và dòng họ, nhưng cũng vừa là trách nhiệm to lớn trước Đảng và nhân dân, để làm tròn vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên, trong thời gian tới mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, sắp xếp hợp lý công việc gia đình, thường xuyên gần gũi, vận động chị em phụ nữ trong buôn thực hiện tốt các chương trình công tác do TW Hội đề ra, không ngừng học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ.
Mai Viết Tăng