Chính sách thuế đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà của các cá nhân, hộ gia đình
Với cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chính sách giá 8,38 cent/KWh, cao hơn mức 7,09 cent/KWh đối với điện mặt trời nối lưới; do vậy chỉ trong thời gian ngắn, đầu tư vào điện mặt trời áp mái đã tăng tốc đáng kể. Thống kê của EVN cho thấy tính tới ngày 31-7/2020, cả nước có 42.694 hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 917 MWp.
Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà đang là sự lựa chọn của nhiều cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện Krông Bông hiện nay. Thực tế cho thấy, việc phát triển điện mặt trời áp mái đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sử dụng, đem lại lợi ích lâu dài, thân thiện với môi trường, tạo ra dòng năng lượng sạch, người dân còn được hưởng lợi trong việc giảm thiểu đáng kể chi phí điện hàng tháng. Ngoài lượng điện năng sản xuất từ hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái dùng để vận hành các thiết bị điện trong gia đình, thì sản lượng điện còn dư sẽ được tự động hòa vào lưới điện quốc gia, dựa trên chỉ số công tơ điện. Với cách làm này, khách hàng sẽ tiết kiệm chi phí tiền điện, bên cạnh đó có thêm thu nhập từ việc bán điện ngược lại cho ngành điện; cùng với đó, phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời còn giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh việc Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện chương trình mua điện mặt trời trên mái nhà của các hộ gia đình đối với lượng điện thừa trong thời gian không dùng đến; chính sách giá mua cao và ổn định… nhằm tạo thuận lợi để khuyến khích người dân phát triển sản xuất điện. Người dân cũng cần phải biết quy định về chính sách thuế, hóa đơn, chứng từ khi thực hiện Hợp đồng mua, bán điện giữa người dân và Công ty Điện Lực.
Bước đầu thực hiện Chương trình thu mua điện mặt trời đã gây ra nhiều lúng túng, phân vân cho cả Công ty Điện Lực và người bán điện về quản lý thuế và hóa đơn chứng từ… Trên cơ sở quy định tại Công văn số 1534/BTC-CST Ngày 31/01/2019 của Bộ Tài Chính về chính sách ưu đãi đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà có công suất lắp đặt không quá 50Kw; ngày 03/8/2020 Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 3144/CT-TTHT và Công văn số 3147/CT-TTHT trả lời Công ty Cổ phần Điện lực Đắk Lắk về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và hóa đơn, chứng từ khi Công ty mua điện mặt trời mái nhà. Theo đó hóa đơn, chứng từ, thuế suất thuế GTGT, thuế TNCN đối với hoạt động sản xuất, bán điện mặt trời mái nhà có cơ sở thực hiện như sau:
- Về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế: Cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà là người nộp thuế cho hoạt động kinh doanh lĩnh vực sản xuất, bán điện nên thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế theo quy định tại Khoản 1, Điều 67 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và điểm i, khoản 1, Điều 2 Thông tư số 95/2016/TT- BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài Chỉnh hướng dẫn về đăng ký thuế. Người nộp thuế đến “Bộ phận một cửa” thuộc UBND huyện để được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký kinh doanh, sau đó đến cơ quan thuế để đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
Chỉ khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế thì người nộp thuế mới được mua hóa đơn lẻ tại cơ quan thuế để giao cho Công ty Điện lực khi quyết toán tiền mua - bán điện vào cuối năm.
- Về thuế GTGT và thuế TNCN: Theo quy định tại các điểm 5, 6 Công văn số 1534/BTC-CST ngày 31/01/2019 của Bộ Tài chính thì cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì doanh thu bán điện thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế TNCN và được áp dụng tỷ lệ thuế trên doanh thu đối với hoạt động sản xuất theo quy định tại Điểm b1, Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Như vậy, với tỷ lệ thuế GTGT là 3% và thuế TNCN là 1,5% thì tổng số tiền thuế phải nộp bằng 4,5%/tổng doanh thu bán điện.
Cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà có doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống thì doanh thu bán điện thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, thuế TNCN theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
- Về hóa đơn, chứng từ mua, bán điện mặt trời trên mái nhà: Cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà có cam kết doanh thu bán điện nhỏ hơn 100 triệu đồng/năm thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, thuế TNCN; trường hợp này không sử dụng hóa đơn. Nếu đến kết thúc năm xác định được doanh thu đạt trên mức 100 triệu đồng/năm thì cá nhân, hộ gia đình phải kê khai nộp thuế GTGT, thuế TNCN theo quy định và được cơ quan thuế bán hóa đơn lẻ để giao cho Công ty Điện lực.
Định kỳ hàng tháng Công ty Điện lực Đắk Lắk thực hiện thanh toán tiền điện (chưa bao gồm thuế GTGT, thuế TNCN) cho cá nhân, hộ gia đình. Khi kết thúc kỳ ghi chỉ số công tơ cuối cùng của năm, Công ty Điện lực Đắk Lắk có trách nhiệm quyết toán tiền mua điện từ hệ thống điện mặt trời trong năm và quyết toán thuế GTGT, thuế TNCN cho cá nhân, hộ gia đình tương ứng doanh thu phát sinh từ hệ thống điện mặt trời. Tại thời điểm này hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm gửi hóa đơn bán hàng, bảng kê và giấy nộp tiền thuế GTGT, thuế TNCN của phần tiền điện tương ứng với sản lượng điện đã bán cho Công ty Điện lực Đắk Lắk.
Vì quyền lợi của mình, tất cả các cá nhân, hộ gia đình khi thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà cần phải đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế để được mua hóa đơn của cơ quan thuế giao cho Công ty Điện lực khi quyết toán tiền bán điện hàng năm./.
Chi cục Thuế khu vực Lắk – Krông Bông