Cải thiện thu nhập từ nghề nuôi Tằm
Trồng dâu nuôi tằm được đưa vào trồng thử nghiệm ở một số xã trong huyện Krông Bông từ năm 2018 đến nay, do tình hình thời tiết bất lợi nhiều diện tích dâu bị hư hỏng, không đủ nguồn nguyên liệu để mở rộng quy mô. Tuy nhiên, nhiều hộ ở xã Hòa Lễ, Cư Đrăm, Cư Pui vẫn “thủy chung” với nghề “ăn cơm đứng” mang lại hiệu quả kinh tế góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình.
Gần 35 năm qua, đến lập nghiệp ở thôn 11 (xã Hòa Lễ) với sự nỗ lực vượt qua đói, nghèo, gia đình bà Nguyễn Thị Nghì đã khai hoang được 6 ha đất sản xuất, trong đó có 2 ha cà phê còn lại là diện tích trồng cây lương thực. Thế nhưng, công sức và chi phí sản suất các loại cây trồng cà phê, lương thực khá cao, lại phải thường xuyên đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nên sau hàng chục năm số vốn tích lũy cũng không nhiều. Cách đây 2 năm chồng bà bị tai biến, mọi việc sinh hoạt, đi lại phải có người trợ giúp, bản thân bà cũng bị tai nạn chấn thương thần kinh mất thị lực một mắt, khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Không có người trực tiếp sản xuất nên số diện tích đất bà chia lại cho các con và định hướng chuyển đổi 2 ha đất sang trồng cây ăn quả, đồng thời quyết định phát triển trồng dâu nuôi tằm.
Bà Nguyễn Thị Nghì cho tằm ăn
Bà Nghì cho biết: Tháng 10 năm 2019, bà chuyển 1,5 ha đất trồng sắn sang trồng 1,5 ha dâu, đây là loại giống dâu F7, năng suất cao hơn giống dâu thường. Để giảm chi phí ban đầu bà tận dụng mặt bằng nhà kho có sẵn, đồng thời đầu tư trên 50 triệu đồng mua sắm dụng cụ, phương tiện để phát triển nghề…Khi cây dâu xanh tốt bà mua 1 hộp tằm tuổi 4 về nuôi lứa đầu tiên, với kinh nghiệm trên 10 năm trồng dâu nuôi tằm lúc còn là công nhân Nông trường Ba Sao (Hà Nam) và được tham gia Hội thảo hướng dẫn kỹ thuật mới, nên hơn một năm nay gia đình bà đã nuôi được 14 lứa, (chu kỳ mỗi lứa là 15 ngày) mỗi lứa một hộp kén bà thu được bình quân 58 kg kén, với giá bán 150.000 đồng/ kg, thì giá trị mỗi ngày công đạt trên 300.000 đồng, ngay thời điểm bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid giá kén rớt xuống 70.000 đồng/ kg thì giá trị ngày công cũng đạt 150.000 đồng.
Còn gia đình bà Bùi Thị Dung 49 tuổi, người cùng thôn 11 cho biết: Ngày xưa ông bà ta thường nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nhưng ngày nay với kỹ thuật nuôi hiện đại, không chỉ tiết kiệm thời gian, công chăm sóc mà còn cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng trọt hoặc nuôi các con giống khác… Tháng 7/2019 gia đình bà mạnh dạn phá bỏ 7.000 m2 cà phê già cỗi kém năng suất sang trồng dâu, để đảm bảo tỷ lệ kén sống và phát triển, thay vì mua tằm tuổi 3 như ở một số nơi khác, thì các hộ trong thôn 11 đều mua tằm tuổi 4 với giá 1.000.000 đồng/ hộp về nuôi. Bình quân mỗi hộp kén nuôi trong 15 ngày sẽ cho thu hoạch từ 50 đến 60 kg kén. Giá bán dao động từ 120.000 đồng đến 160.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí còn lãi được 5.000.000 đồng, mỗi năm nuôi ít nhất 15 lứa, thì đây là nguồn thu khá cao. Ngoài ra, cứ mỗi hộp kén còn thải ra khoảng 500 kg phân vi sinh dùng để bón cho các loại cây trồng rất tốt…
Trao đổi vấn đề này với bà Trần Thị Thu Tổ trưởng Tổ Hợp tác trồng dâu nuôi tằm xã Hòa Lễ, bà cho biết: Nhận thấy lợi ích kép của việc trồng dâu nuôi tằm (vừa cho thu nhập cao, vừa cho nguồn phân hữu cơ lớn cho cây trồng) riêng gia đình bà cũng đã đầu tư trên 100 triệu đồng, trồng 1, 7 ha dâu, xây dựng nhà, mua dụng cụ, phương tiện khung sắt và né đủ nuôi 2 hộp kén cho mỗi chu kỳ, với 17 lứa nuôi trong hơn một năm qua, gia đình bà đã thu về 150 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Về hướng đi trong tương lai, gia đình bà cũng đã san ủi mặt bằng để mở rộng quy mô nuôi tằm của gia đình lên gấp hai lần so với hiện nay.
Bà cho biết thêm: Ngày 11/12/2019 Hội Nông dân huyện về vận động thành lập tổ hợp tác có 4 hộ tham gia, đến nay đã tăng lên là 7 hộ, diện tích dâu cũng tăng từ 2 ha lên 6 ha. Tổ hợp tác đã liên kết mở các lớp chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi tằm, hầu hết các loại giống dâu lai hiện nay đều cho nhiều lá, giống tằm mới ít bị sâu bệnh, dễ nuôi, chất lượng kén cũng tốt hơn nhiều so với nuôi truyền thống.
Đặc biệt, để thích nghi với nhiệt độ khi tằm ăn rỗi, tổ hợp tác cũng khuyến cáo cho các hộ lưu ý việc làm khung sắt chỉ cần làm đủ 4 tầng, khoảng cách mỗi tầng là 40 cm, chiều rộng khung sắt là 1, 5 mét và chiều dài 4 mét ( tương ứng với 24 m 2 / hộp kén ), như vậy sẽ không lãng phí và cũng thuận tiện khi cho tằm ăn…
Theo định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa chuỗi giá trị hàng hóa gia tăng, tạo lợi nhuận trên đầu diện tích… Thời gian tới, huyện Krông Bông, sẽ đầu tư kinh phí gần 980 triệu đồng, tiến hành thành lập Tổ hợp tác liên kết trồng dâu nuôi tằm ở xã Hòa Lễ, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ trồng 10 ha dâu, hổ trợ giống tằm và các dụng cụ nuôi tằm cho 13 hộ dân thuộc 2 xã Cư Đrăm và Hòa Lễ.
Với chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo đồng bộ, tin tưởng nghề trồng dâu nuôi tằm tiếp tục phát triển mạnh, vừa cải thiện thu nhập cho người dân, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở Krông Bông phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững./.
Mai Viết Tăng