Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 05/04/2024

Cách làm rượu cần của người Êđê

 

 Buôn Khanh xã Cư Pui là một buôn vẫn còn giữ bản sắc văn hóa truyền thống như nhà sàn, ghế kpan, chiêng ché... trong đó có việc ủ rượu cần là một nét văn hóa đặc sắc của người Êđê.

Tới CưPui của huyện Krông Bông, nhắc tới rượu cần thì ai cũng nghĩ ngay tới rược cần Amí Rin. Đây là một trong những thương hiệu rượu cần ngon có tiếng trong huyện và Chị H Jih Niê là con gái ruột của bà Amí Rin là người con của buôn làm đang tiếp tục công việc ủ rượu cần mà cha mẹ mình lưu truyền để lại. Cái tên gọi rượu cần Amí Rin là xuất phát từ bà Amí Rin (mẹ của chị H’Jih Niê) khi còn sống, bà là một trong những người làm rượu cần ngon có tiếng ở buôn Khanh xã Cư Pui. Bà thường làm cho mọi người trong gia đình, dòng họ uống mỗi dịp lễ, tết. Ngoài ra, bà cũng làm để bán cho những người trong buôn khi họ có nhu cầu. Từ khi mẹ mất, chị H’Jih quyết định tiếp tục giữ lại nghề làm rượu cần của mẹ. Kỹ thuật làm rượu cần được chị nắm vững nên chất lượng rượu rất ngon. Để tìm hiểu cách thức và công đoạn ủ rượu cần như thế nào thì được chị Jih chia sẻ:

“Nói chung muốn rượu được ngon, trước tiên là mình phải chọn hạt gạo sạch, mà chính nhà trồng để nấu rượu cần, trấu sạch, loại men thì đầu tiên mình phải tìm loại men ngon có thương hiệu, có uy tín.Vì vậy để chuẩn bị ủ rượu cần thì công đoạn đầu tiên là nấu cơm, không được nhão hoặc quá khô và tránh bị khét, nếu cơm nhão thì sẽ làm hư rượu. Sau khi nấu gạo thành cơm thì mình đổ ra nia để nguội, giã nát và thật nhuyễn thì men mới có mùi thơm, thêm gạo rang để cho có màu, có mùi thơm đặc biệt hơn, rồi mới bắt đầu rải đều lên men với trấu cùng với cơm, sau khi trộn xong men, trấu, gạo rang, cơm thì sang công đoạn bỏ nguyên liệu vào ché để ủ, lúc này mình bỏ một lớp trấu ở đáy bình rồi bỏ nguyên liệu vào ché và cho thêm trấu vào miệng ché, tiếp theo là lấy lá chuối hơ cho nóng mềm, để đậy miệng rồi cột lại miệng cho thật kĩ và chắc chắn để giữ được hương vị ngon của rượu. Sau khi đã hoàn thành những ché rượu cần phải được ủ từ 1 đến 2,3 tháng thì mới lấy ra uống được và để càng lâu thì càng ngon hơn”.

Nguyên liệu để rượu cần thường là gạo, ngô, củ sắn hoặc chuối mốc.... trấu và men rượu. Cách phổ biến nhất hiện nay chính là nguyên liệu gạo. Gạo được trộn với trấu tỷ lệ một phần hai, sau khi được nấu chín, cơm được rải ra nia. Men rượu được bóp nhuyễn rồi trộn đều. Men rượu được làm từ nhiều nguyên liệu, trong đó có lá, rễ cây rừng là công thức riêng của từng người hoặc mua men sẵn có. Sau khi trộn đều với men rượu, nguyên liệu được cho vào ché, ở đáy và miệng ché có một lớp trấu. Sau đó ché được bịt kín bằng lá dong hoặc lá chuối đã hơ nóng cho mềm và mang đi ủ... Sau khi ủ từ 1 tháng trở lên là uống được và càng lâu rượu càng ngon. Trước khi uống, miệng ché được lót thêm một lớp lá , thường là lá chuối khô. Sau đó đổ nước lọc để hòa tan chất cồn trong nước đầu rồi dùng cần uống.

Mỗi dân tộc đều có rượu cần cùng với mùi vị đặc điểm riêng, nhưng rượu cần Êđê thì khi uống có mùi vị rất là đậm đà, có chút vị ngọt đắng rất đặc trưng.

Tuy không quảng cáo rộng rãi nhưng vì chất lượng rượu của chị H’Jih làm ra rất thơm ngon, sạch sẽ, hình thức đẹp, giá cả phải chăng nên gần chục năm nay đã được nhiều khách hàng tìm đến mua.

Để sản phẩm rượu cần với thương hiệu Amí Rin của chị H’Jih Niê có cơ hội tiếp tục chinh phục khách hàng gần xa, mở rộng thị trường và quan trọng hơn là góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây, các cấp, các ngành và chính quyền sở tại đã tuyên truyền, vận động để chị tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và hỗ trợ kết nối cũng như trưng bày sản phẩm tại nhiều sự kiện. Hi vọng rằng rượu cần Amí Rin sẽ luôn mang hương vị đặc sắc để giới thiệu rộng rãi đến bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh./. 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang