Bảo tồn vì đam mê
Là người Kinh nhưng anh Dương Văn Tho ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm (Krông Bông) lại rất yêu tiếng chiêng, điệu múa của đồng bào Ê Đê. Thời gian qua, anh Tho đã bỏ công sức, kinh phí mời nghệ nhân về truyền dạy cho một số thanh thiếu niên, học sinh trong xã Cư Drăm học đánh chiêng Kram (chiêng tre) và một số điệu múa của người Ê Đê, với mong muốn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.
Gần đây, cứ tối đến trong ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Tho, chị Hồng ở buôn Chàm A lại vang lên tiếng chiêng từ lớp dạy đánh chiêng Kram, lớp múa cho các em thanh thiếu niên là người dân tộc Ê Đê. Lớp học do anh Tho tự tuyển chọn và đứng ra tổ chức ngay tại nhà. Lớp học trong thời gian 3 tháng hè, bắt đầu từ tháng 6. Mỗi tuần các em được học 4 tối, mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ. Lúc đầu, anh Tho vận động được khoảng 30 em tham gia. Các em đa số là người dân tộc Ê Đê (trừ con và cháu của anh Tho). Các em hiện đang học các trường Tiểu học, THCS, THPT ở xã Cư Drăm. Trong đó có 15 em nam theo học lớp đánh chiêng và 15 em nữ học lớp múa. Về sau một số em bỏ dần vì không không kiên trì, không đam mê. Sau 3 tháng học, hiện nay còn lại 7 em đã hoàn thành xong lớp đánh chiêng Kram và 8 em nữ hoàn thành lớp múa. Những em còn lại đều rất chăm chỉ, hứng thú và yêu thích nhạc cụ truyền thống. Em Y Phát Ê Ban, học sinh lớp 10, trường THPT Trần Hưng Đạo phấn khởi cho biết: “Sau khi nghỉ hè, em được bác Tho cho tham gia lớp học đánh chiêng Kram. Tham gia lớp học em thấy rất vui vì nó rất bổ ích. Sau 3 tháng hè được thầy Y Jút chỉ dạy, giờ em đã thuộc và đánh được những bài chiêng Kram cơ bản”
Anh Tho cùng lớp học đánh chiêng Kram
Với quyết tâm mở bằng được lớp dạy đánh chiêng Kram và lớp múa cho các em nhỏ nên dù gặp nhiều khó khăn, anh Tho vẫn khắc phục. Có tối trời mưa các em không đi học, anh Tho đến từng nhà đón các em; dụng cụ học tập anh phải đi thuê, anh tự bỏ kinh phí thuê nghệ nhân về dạy... Thấy sự tâm huyết của anh Tho, nghệ nhân Y Jut Ê Ban (xã Cư Pui) cũng rất ủng hộ. Anh đã không quản khó khăn, đêm tối, dành nhiều thời gian, công sức để tuyền dạy. Truyền dạy các em trong suốt 3 tháng nhưng nghệ nhân Y Jút chỉ nhận 3 triệu đồng đủ kinh phí đi lại. Nghệ nhân Y Jút chia sẻ: “Là người Kinh nhưng anh Tho rất tâm huyết với văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Lúc đầu tôi không tin anh Tho có thể mở thành công lớp dạy vì điều kiện rất khó khăn. Nhưng bằng sự quyết tâm, anh Tho đã mở lớp thành công”.
Việc tự bỏ thời gian, công sức, kinh phí để mở lớp học đánh chiêng, lớp múa tại nhà là mô hình mới, lần đầu xuất hiện ở huyện Krông Bông. Song anh Tho cho rằng, đây là việc làm nhỏ, tự phát của bản thân với mong muốn góp phần giữ được nét đẹp văn hóa của người Ê Đê. Anh Tho cho biết: “Ý tưởng mở lớp là muốn tạo cho các cháu một sân chơi lành mạnh trong hè, trong đó có cả con của mình. Lớp học tuy không tốn kém nhiều nhưng muốn làm được thì cần phải kiên trì và có sự tâm huyết. Đây mới chỉ là bước đầu, mong muốn sau này nếu có điều kiện và được sự ủng hộ của cấp trên, mình sẽ tiếp tục mở thêm lớp dạy cho các em đánh chiêng đồng và sử dụng một số nhạc cụ dân tộc”.
Mong muốn của đồng bào Ê Đê nơi đây sẽ nhân rộng được mô hình của anh Tho. Đồng thời, mong muốn địa phương hàng năm nên tổ chức các hoạt động văn hóa như: liên hoan văn hóa cồng chiêng, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc, thi hát dân ca truyền thống… để lớp trẻ có “đất diễn”. Ông Ama Khoát, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm tâm sự: “Anh Tho đã tự đứng ra mở lớp dạy đánh chiêng cho lớp trẻ mà đồng bào ở đây chưa làm được. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa. Mong rằng trong thời gian tới, cấp trên sẽ quan tâm, hỗ trợ về kinh phí, dụng cụ học tập, trang phục biểu diễn để nhân rộng mô hình này, vừa tạo cho thanh thiếu niên và học sinh có được những sân chơi lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, lại bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Tây Nguyên”.
Tùng Lâm