Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Krông Bông
Năm 2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng (VHCC) Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào, vinh dự không chỉ của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên mà là của cả dân tộc Việt Nam. Ngay sau được UNESCO công nhận, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và ngành Văn hóa-Thông tin huyện Krông Bông luôn có những quan tâm, triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của VHCC, qua đó giới thiệu VHCC của huyện nhà đến bạn bè, du khách gần xa.
Những năm qua, huyện Krông Bông đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Cồng chiêng như: Mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho thanh, thiếu niên học kỹ thuật đánh và chỉnh chiêng; hàng năm tổ chức liên hoan văn hóa Cồng chiêng cấp xã và cấp huyện, tổ chức liên hoan dân ca-dân vũ, nhạc cụ dân tộc, hội diễn văn nghệ quần chúng, tổ chức buôn vui chơi, buôn ca hát, phục hồi các lễ hội truyền thống... Tỉnh và huyện cũng đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân là đồng bào dân tộc Êđê, M'nông truyền dạy cách đánh Cồng chiêng cho con em trong các buôn, làng. Từ năm 2016-2018 đã mở 09 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện nay, toàn huyện còn lưu giữ 95 bộ chiêng; có 44 nghệ nhân truyền dạy đánh cồng chiêng, 61 người biết nói vần, 46 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ dân tộc; có 62 đội Cồng chiêng ở các buôn làng, trong đó có 24 đội Cồng chiêng thanh thiếu niên…
Xã Cư Pui hàng năm đều duy trì lễ hội và hội thi cồng chiêng
Tuy nhiên, trong những năm qua, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường và văn hóa hiện đại, nền văn hóa truyền thống và không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa ở Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Bông nói riêng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên từ đây đặt ra những vấn đề to lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của nó. Điển hình của sự mai một ấy chính là nạn chảy “máu” cồng chiêng, sự suy giảm tài nguyên rừng, sự thu hẹp không gian buôn làng truyền thống, mất dần những ngôi nhà dài, nhà sàn, những bến nước và những lễ hội.
Để bảo tồn, phát huy di sản- không gian văn hóa cồng chiêng, trong thời gian tới cùng với việc nâng cao lòng tự hào, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị của cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép, ghi hình các hình ảnh, tư liệu về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để giữ gìn, bảo quản và phát huy trong thời gian tới. Tiến hành phục dựng, phục hồi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bên cạnh việc phục dựng không gian buôn làng truyền thống, cần có những biện pháp phục dựng không gian rừng, không gian nương rẫy, không gian bến nước, nhằm tạo những không gian phù hợp cho diễn tấu văn hóa cồng chiêng. Bởi lẽ, nếu không còn buôn làng truyền thống, không còn lễ hội, không còn bến nước… cồng chiêng sẽ mất không gian diễn tấu, khi ấy âm thanh của cồng chiêng sẽ không còn phần hồn để đi vào lòng người. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào của cả nước, đồng thời vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của nó là rất quan trọng và cũng là nhiệm vụ của tất cả mọi người chúng ta. Làm tốt công việc ấy không chỉ có ý nghĩa đối với hôm nay mà cả với mai sau.
TH