Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 22/05/2020

Ama Nen với bí quyết làm nỏ truyền thống của người Êđê

Năm nay ông Ama Nen ở buôn Tliêr (Hòa Phong) đã thuộc vào “lớp người xưa nay hiếm” nhưng ngọn lửa đam mê chế tác ra những chiếc nỏ truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê, phục vụ cho các vận động viên tham gia môn bắn nỏ tại Hội thao dân tộc thiểu số Huyện Krông Bông tổ chức định kỳ 2 năm một lần vẫn chưa bao giờ tắt trong ông.

Ông Ama Nen kể lại: Từ xa xưa để bảo vệ con người và bảo vệ mùa màng trước những loài thú rừng phá hoại, nên hầu như gia đình người dân tộc Êđê nào cũng có một chiếc nỏ (Hna) làm vật dụng phòng thân. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm anh trai cả của ông là Ama Húy đã sử dụng chiếc nỏ như một vũ khí, tiêu diệt hai tên lính Cộng hòa khi đi càn vào buôn đốt nhà. Đặc biệt, trong mỗi dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, môn bắn nỏ đã trở thành môn thể thao không thể thiếu được, bởi lẽ nó thể hiện sức mạnh của nam giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan mà vị trí của chiếc nỏ dần bị mai một trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc chúng tôi. Trong đó, có thể kể đến nguyên nhân là do số người nắm bắt được bí quyết chế tác chiếc nỏ truyền thống không còn nhiều, vật liệu để làm nỏ cũng ngày càng khan hiếm.

 Ông ​Ama Nen hướng dẫn cách bắn nỏ 

Với kinh nghiệm gần 50 năm, đã làm ra vô số chiếc nỏ truyền thống, ông Ama Nen chia sẻ bí quyết: Chiếc nỏ truyền thống của người Êđê gồm 5 bộ phận chính: Thân nỏ, cánh nỏ, lẩy nỏ (hay còn gọi là cò), dây nỏ và mũi tên, nỏ truyền thống của người Êđê không có báng cầm như một số nỏ của dân tộc khác….Để làm ra một chiếc nỏ chuẩn xác cao, Ama Nen phải mất khá nhiều thời gian, loại cây làm thân nỏ phải dẻo, chịu khô tốt không bị cong vênh, có khi đi 2 đến 3 ngày mới tìm được, sau đó đem về nhà hơ nóng vào lửa rồi cạo, uốn cánh nỏ, nếu người không biết làm sẽ bị gẫy, còn để có được sợi dây nỏ vừa căng, vừa bền, ông không lên rừng lấy dây đay tự nhiên như những người khác mà tự trồng cây gai lấy vỏ sau đó bện lại thành dây nên rất khó đứt…

 Tuy nhiên, để bắn trúng đích cách xa từ 20 mét - 30 mét, ngoài việc có chiếc nỏ chuẩn xác, đòi hỏi phải có loại mũi tên chất lượng phù hợp. Mũi tên (Brăm) được làm từ cây nứa lấy từ trên núi cao, khi chặt nứa nếu thấy bên trong ruột có màu hồng hoặc ngả sang màu nâu sẫm thì cây nứa đó đủ tiêu chuẩn để vót mũi tên, tránh sử dụng những cây nứa gần nguồn nước vì sau một thời gian ngắn mũi tên sẽ bị biến dạng, để mũi tên đạt độ chuẩn xác cao thì khi vót tên cần phải tính toán kỹ lưỡng từ độ dài, kích cỡ cho đến việc gắn chọn vật liệu cánh ở phần đuôi của mũi tên, khi lẩy cò mũi tên sẽ bay thẳng đến mục tiêu.

Nhờ bí quyết làm những chiếc nỏ truyền thống, ông đã dạy cho 2 con trai cách chế tác và truyền lửa đam mê môn bắn nỏ, từ năm 2003 đến nay mỗi khi con ông là Y Nen và Y Vinh tham gia hội thao do huyện tổ chức luôn đạt thành tích cao (từ giải ba đến giải nhất).

Ông Nguyễn Thái- nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Bông nhận xét: Môn bắn nỏ là một trong những môn thi chính của các kỳ Đại hội Thể dục thể thao và Hội thao Dân tộc thiểu số của huyện, để chọn được những vận động viên giỏi tham gia hội thao do cấp trên tổ chức,  ông Thái thường giới thiệu các xã đến nhà Ama Nen đặt mua hoặc thuê lại chiếc nỏ và mũi tên về tập luyện thi đấu. Nhờ vậy, nhiều xạ thủ bắn vào mục tiêu đạt trên 70 điểm/ 10 mũi.

Trong 2 năm gần đây Ama Nen đã chế tác trên 10 chiếc nỏ bán cho vận động viên của các xã, để tránh việc sử dụng nỏ vào mục đích săn bắn trái phép, những chiếc nỏ do Ama Nen chế tác, ông chỉ bán với giá 600.000 đồng/chiếc cho những người được Phòng Văn hóa Thông tin hoặc lãnh đạo của địa phương giới thiệu./.

                                                                        Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang